Cũng theo quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan hôm 14-6, các quan chức an ninh nước này còn tìm kiếm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm tăng sức ép lên Tehran theo sau 2 vụ tấn công mới nhằm vào tàu chở dầu ở Vịnh Oman một ngày trước đó.
Tuy nhiên, ông Shanahan từ chối tiết lộ chi tiết các kế hoạch đang được Bộ Quốc phòng Mỹ hoặc Nhà Trắng cân nhắc.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington có bằng chứng "không thể chối cãi" về sự can dự của Iran trong hai vụ tấn công nhằm vào tàu M/T Altair (của Na Uy) và M/T Kokuka Courageous (của Nhật Bản) ở Trung Đông.
Hình ảnh được Mỹ công bố trong nỗ lực thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng Iran đứng sau vụ tấn công. Ảnh: Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ
Cuối ngày 13-6, Bộ Tư lệnh Trung ương Mỹ công bố hình ảnh, video mà họ cho là ghi lại cảnh các thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tháo gỡ mìn chưa nổ ra khỏi thân tàu Kokuka Courageous.
Ông Shanahan hôm 14-6 cho biết thêm Lầu Năm Góc vẫn đang xác định nguồn gốc loại mìn nói trên và công bố thông tin cho công chúng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng ngày quy trách nhiệm các vụ tấn công cho Iran và tuyên bố Mỹ muốn quốc tế có sự đồng thuận trong việc đối phó với mối đe dọa của hoạt động vận tải biển.
Trong lúc Tehran lên tiếng bác bỏ sự liên quan, chủ sở hữu tàu Kokuka Courageous cho biết vụ tấn công con tàu do một "vật thể bay" gây ra, không phải mìn như cáo buộc của Mỹ.
Nguy cơ đối đầu Washington - Tehran còn gia tăng sau khi nguồn tin quân sự Mỹ hôm 14-6 tiết lộ một tàu tuần tra Iran phóng tên lửa tấn công một chiếc máy bay không người lái MQ-9 Reaper của Mỹ nhưng trượt mục tiêu.
Trước khi bị tấn công, chiếc máy bay không người lái phát hiện thấy tàu Iran tiến lại gần hai chiếc tàu chở dầu trên. Không lâu sau đó, 2 tàu chở dầu này bốc cháy trên Vịnh Oman.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ tính xác thực của cáo buộc mới này.
Bình luận (0)