Động thái này diễn ra sau nhà chức trách ghi nhận 6 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 6 trường hợp nhiễm không có triệu chứng hôm 11-10. Toàn bộ ca nhiễm mới này đều liên quan đến Bệnh viện Qingdao Chest, nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ nước ngoài.
Đây được xem là đợt bùng phát Covid-19 lớn nhất tại Trung Quốc trong vài tháng trở lại đây, qua đó nêu bật thách thức trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh vẫn đang lây lan hoặc bùng phát trở lại ở không ít quốc gia. Tại châu Âu, chính phủ một số nước đang chuẩn bị thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn sự lây lan trở lại của dịch Covid-19.
Theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Pháp Jean Castex hôm 12-10 nhấn mạnh không loại trừ khả năng tái áp đặt lệnh phong tỏa tại một số địa phương do sự bùng phát mạnh mẽ trở lại của số ca Covid-19 mới. Cảnh báo này được đưa ra sau khi dữ liệu mới cập nhật của Bộ Y tế Pháp cho thấy số ca Covid-19 mới hôm 10-10 đạt mức gần 27.000, con số cao kỷ lục. Trước mắt, thêm 2 thành phố Toulouse và Montpellier nâng mức báo động về Covid-19 lên mức cao nhất từ ngày 13-10, theo sau một số thành phố khác như Paris, Marseille, Lyon, Lille, Saint-Etienne...
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 của người dân tại TP Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc hôm 12-10 Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte tăng cường các biện pháp nhằm vào các hoạt động về đêm, sự kiện xã hội và thể thao nghiệp dư, cũng như thúc giục các công ty cho nhân viên làm việc từ xa. Theo sắc lệnh dự kiến được ban hành sớm nhất là tối ngày 12-10 (giờ địa phương), các quán bar và nhà hàng có thể phải đóng cửa trước nửa đêm và người dân bị cấm tụ tập ngoài trời từ 21 giờ đến 6 giờ.
Còn tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson ngày 12-10 công bố kế hoạch chia đất nước thành các khu vực có nguy cơ lây nhiễm "trung bình", "cao", "rất cao" và những biện pháp hạn chế tương ứng. Các biện pháp khắc nghiệt nhất nhiều khả năng nhằm vào miền Bắc nước Anh, có thể gồm đóng cửa nhà hàng, quán bar... và yêu cầu người dân không rời khỏi địa phương. Cùng ngày, Thủ tướng Đức Angela Merkel chủ trì cuộc họp nội các để bàn về các quy định mới nhằm đối phó dịch Covid-19, như cách ly người đến từ những vùng có nguy cơ cao.
Nới lỏng hạn chế đi lại quốc tế
Một số nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang từng bước nới lỏng lệnh hạn chế đi lại quốc tế với hy vọng khôi phục nền kinh tế chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Singapore và Indonesia hôm 12-10 thông báo mở lại biên giới với nhau cho các chuyến bay phục vụ hoạt động công vụ và kinh doanh thiết yếu. Những người đáp ứng yêu cầu sẽ phải xét nghiệm trước và sau khi nhập cảnh. Singapore đạt được thỏa thuận tương tự với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia và cũng đã đơn phương mở cửa biên giới với hành khách đến từ New Zealand, Brunei, Việt Nam và phần lớn nước Úc.
Trong khi đó, người dân New Zealand từ ngày 16-10 có thể nhập cảnh một số khu vực ở Úc mà không cần phải cách ly. Tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, người dân New Zealand trở về từ Úc phải cách ly 2 tuần dưới sự giám sát của chính phủ và phải trả phí. Ngoài ra, nhà chức trách New Zealand cho biết hiện chưa có kế hoạch mở cửa biên giới đối với người Úc.
Theo Hiệp hội Các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương, hoạt động bay quốc tế tại châu Á đã bị gián đoạn sau khi đại dịch Covid-19 buộc nhiều nước đóng cửa biên giới. Dù vậy, theo Reuters, không nhiều hành khách muốn bay quốc tế lúc này vì những yêu cầu liên quan đến bảo hiểm, xét nghiệm và trong một số trường hợp, phải cách ly khi trở về nước.
Điều này đồng nghĩa các thỏa thuận nới lỏng đi lại không mang đến nhiều hy vọng cho ngành hàng không và du lịch. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Singapore Ong Ye Kung mới đây thừa nhận lượng hành khách đổ về sân bay quốc tế Changi vẫn còn ít, chỉ bằng 1,5% so với thông thường.
Cao Lực
Bình luận (0)