Số người trong độ tuổi lao động ở Hàn Quốc được dự báo chạm đỉnh 37 triệu trong năm 2016 trước khi giảm dần. Đến cuối thập kỷ này, lực lượng lao động Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ giảm 1,3% so với hiện tại.
Nhu cầu nội địa suy yếu
Xu hướng trên khiến ông Lee Young-wook, chuyên gia tại Viện Phát triển Hàn Quốc, lo ngại nước này “sẽ lâm vào tình cảnh tương tự Nhật Bản”. Theo số liệu thống kê, dân số Nhật Bản đạt mức cao kỷ lục trong năm 2008 song giảm dần từ đó đến giờ. Ở đất nước mặt trời mọc, hiện cứ 4 người thì có 1 người từ 65 tuổi trở lên.
Trong khi đó, Hàn Quốc có 13% dân số là người từ 65 tuổi trở lên, tăng 3% so với năm 2007. Đáng lo hơn, tỉ lệ sinh ở Hàn Quốc hiện đạt mức 1,2 em bé cho mỗi phụ nữ, thấp hơn cả Nhật Bản (1,4 em bé).
Trang tin Bloomberg cho rằng dân số già sẽ cản trở những nỗ lực của chính phủ Hàn Quốc nhằm hồi sinh nền kinh tế đang thiếu sức sống bởi xuất khẩu giảm và nhu cầu nội địa suy yếu. Chuyên gia Joseph Incalcaterra của chi nhánh ngân hàng HSBC tại Hồng Kông nhấn mạnh “dân số già thực sự làm giảm tốc độ tăng trưởng tiềm năng” ở Hàn Quốc.
Một báo cáo của quốc hội nước này vào năm ngoái cho biết tổng sản phẩm nội địa (GDP) sẽ tăng trưởng trung bình 3,6% trong giai đoạn 2014-2018. Tuy nhiên, những thay đổi về nhân khẩu học sẽ khiến Seoul khó có thể đạt mục tiêu trên bởi tiêu dùng trong nước có nguy cơ tiếp tục sụt giảm.
Để tránh rơi vào tình cảnh tương tự Nhật Bản, chính phủ Hàn Quốc đang cố gắng cải cách luật để khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động trẻ. Tổng thống Park Geun-hye cũng tìm cách khuyến khích phụ nữ sinh con bằng cách ban hành những chính sách giúp giảm gánh nặng tài chính của việc chăm sóc và cho con cái đi học, mua nhà… Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng bản thân doanh nghiệp cũng phải thay đổi bằng cách giảm bớt thời gian làm việc của nhân viên.
Giảm tăng trưởng kinh tế
Nỗi lo dân số già nhanh còn lan sang cả Nga. Theo đài CNN, số người trong độ tuổi làm việc ở Nga sẽ giảm 14% trong vòng 35 năm tới, đe dọa đến tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ông Jeffrey Gundlach, Chủ tịch Công ty Đầu tư DoubleLine Capital (Mỹ), chỉ ra một trong những nguyên nhân là Nga có tỉ lệ tử vong đang tăng còn tỉ lệ sinh lại rất thấp.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đang lo lắng về vấn đề trên của Nga. Gần đây, WB thúc giục Moscow cố gắng giảm tác động của tình trạng lão hóa dân số bằng cách khuyến khích người dân tiết kiệm, nâng tuổi nghỉ hưu và giảm các thói quen xấu như hút thuốc, lạm dụng rượu bia.
“Nếu không có những điều chỉnh thích hợp của các chính sách và hành vi, sự già đi của dân số có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế và sự bền vững tài chính” - WB cảnh báo trong một báo cáo gần đây, theo đó số lượng người Nga trên 60 tuổi chiếm 18% dân số vào năm 2010, tăng hơn gấp đôi so với mức 7,7% vào năm 1950.
Bình luận (0)