Vài ngày sau khi chính quyền Thủ tướng Alexis Tsipras không thể trả 1,5 tỉ euro tiền nợ cho IMF, quỹ này cho biết Hy Lạp cần thêm 50 tỉ euro trong vòng 3 năm tới, bao gồm 36 tỉ euro từ các đối tác châu Âu, để sống sót.
Các ngân hàng Hy Lạp đã đóng cửa được 4 ngày khiến sự bất mãn của người dân ngày một tăng lên. Chính quyền thủ tướng Tsipras đang đặt cược tương lai đất nước vào cuộc trưng cầu dân ý dự kiến được tổ chức vào ngày 5-7 tới.
Bên lề một hội nghị thượng đỉnh kinh tế ở TP Lyon, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đề nghị người dân Hy Lạp bỏ phiếu một cách sáng suốt và nghĩ tới hậu quả nếu từ chối trao đổi các điều kiện lấy gói cứu trợ. Nhiều thành viên trong khu vực đồng Euro (Eurozone) cũng bày tỏ lo ngại Athens sẽ thay đổi bản chất của một liên minh tiền tệ vốn tồn tại đã 15 năm – trước giờ được cho là không thể bị phá vỡ.
Áp lực cũng đang đè nặng lên vai Thủ tướng Tsipras. Ông và Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis vẫn cố gắng thuyết phục cử tri nói "không" với các điều kiện mà 3 chủ nợ Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF đưa ra, trong đó bắt Hy Lạp tái cơ cấu nền kinh tế bằng chính sách “thắt lưng buộc bụng” và cắt giảm lương hưu.
Ông Tsipras lập luận nước này có thể thương lượng các điều khoản tốt hơn, bao gồm cả việc giảm nợ, nếu người dân bỏ phiếu “không”. Nhưng hiện tại, chính phủ của Thủ tướng Tsipras cũng đang lung lay khi các đại biểu của Đảng Hy Lạp Độc lập cánh hữu – đối tác chính của ông – hướng về bỏ phiếu “có”. Cả ông Tsipras và ông Varoufakis đều đã phát tín hiệu sẽ ra đi nếu cử tri thuận theo chủ nợ.
Lúc này, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch cho rằng 4 ngân hàng lớn nhất của Hy Lạp đã tê liệt. Trừ khi ECB nâng trần quỹ cứu trợ khẩn cấp vào ngày 6-7, các ngân hàng Hy Lạp khó lòng mở cửa lại sớm. "Chúng tôi có thể hết tiền mặt vào ngày 7-7 nếu người dân tiếp tục rút 60 euro/ngày" - một nguồn tin ngân hàng cấp cao nói.
Bình luận (0)