Trung Quốc đang tăng cường vận động hành lang để được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) công nhận là “nền kinh tế thị trường” bất chấp sự phản đối ngày càng tăng từ phía châu Âu và Mỹ.
Trung Quốc cho rằng họ sẽ được trao quy chế kinh tế thị trường vào tháng 12 năm nay nhân kỷ niệm 15 năm nước này gia nhập WTO (11-12-2001). Tuy nhiên, sức ép từ những người lo ngại tác động của hàng nhập khẩu Trung Quốc đối với công ăn việc làm khiến Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) muốn trì hoãn điều này thêm vài năm. Một lý do khác là các nền kinh tế lớn sẽ gặp khó khăn hơn khi kiện Bắc Kinh phá giá hàng hóa.
Tranh cãi này diễn ra vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm: Nhiều việc làm bị cắt giảm và nhà máy đóng cửa khắp thế giới do tình trạng dư thừa công suất ở Trung Quốc, nhất là trong những lĩnh vực như thép. Các công nhân ngành thép ở Đức và Bỉ gần đây đã xuống đường phản đối sự cạnh tranh không công bằng của Trung Quốc.
Theo báo The Financial Times (Anh), Trung Quốc sẽ hưởng lợi một khi được trao quy chế kinh tế thị trường, như trong các vụ kiện chống bán phá giá. Khi đó, nước này có thể yêu cầu các nhà quản lý thương mại toàn cầu so sánh giá các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc với thị trường nội địa thay vì với các nước thứ
Trung Quốc muốn được công nhận là “nền kinh tế thị trường”. Ảnh: FT
Thỏa thuận gia nhập WTO của Trung Quốc có điều khoản rằng việc so sánh hàng hóa Trung Quốc với hàng hóa “các nước thứ ba” sẽ hết hạn 15 năm sau ngày gia nhập. Tuy nhiên, cách diễn đạt không chặt chẽ ở các phần khác trong thỏa thuận trên vẫn cho phép các nước nhập khẩu quyết định liệu Trung Quốc có phải là nền kinh tế thị trường hay không sau tháng 12-2016.
Ngoài ra, theo chuyên gia thương mại lập luận, thỏa thuận trên yêu cầu các nhà xuất khẩu Trung Quốc phải chứng minh họ không hưởng lợi từ trợ cấp của chính phủ và chính sách tiền tệ nếu Bắc Kinh muốn được hưởng quy chế kinh tế thị trường. Các chính khách Mỹ và châu Âu cho rằng bất kỳ sự phản đối nào đối với việc trao quy chế trên cho Trung Quốc cũng sẽ khiến WTO mất 2-3 năm để xem xét - một kết quả giúp các ngành công nghiệp Âu Mỹ có thêm thời gian chuẩn bị.
“Trung Quốc kiên quyết phản đối bất cứ sự trì hoãn nào trong việc thực hiện điều khoản. Chúng tôi kêu gọi các thành viên, như Mỹ và EU, chấm dứt sử dụng “nước thứ ba” càng sớm càng tốt” - Bộ Thương mại Trung Quốc lên tiếng. Nhà nghiên cứu Mỹ Tân Ngọc, thuộc nhóm chuyên gia cố vấn cho Bộ Thương mại Trung Quốc, thậm chí còn đi xa hơn khi tuyên bố: “Nếu EU không muốn tôn trọng nghị định thư WTO mà họ đã ký kết, họ nên xem xét khả năng rút khỏi tư cách thành viên của mình. Điều khoản trên trong nghị định thư này rất rõ ràng và không có điều kiện”.
Mặt khác, ông Trương Hải Bân, Giám đốc Trung tâm Các tổ chức quốc tế tại Trường ĐH Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc cũng cần tự hỏi xem nước này có thực sự là nền kinh tế thị trường toàn diện hay chưa. Chuyên gia họ Trương đánh giá Mỹ và EU chưa chịu trao quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc là do lo ngại về vấn đề cạnh tranh. “Công nhận hay không lẽ ra là một vấn đề thương mại đơn thuần nhưng giờ đây lại có chính trị xen vào” - ông nói.
Khóc cười bản quyền thương hiệu
Một tòa án ở Bắc Kinh vừa phán quyết hãng Facebook thắng kiện Công ty Zhongshan Pearl River, doanh nghiệp đã đăng ký thương hiệu “face book” tại Trung Quốc vào năm 2014. Theo tòa án, hành động của công ty địa phương này vi phạm các nguyên tắc đạo đức với ý đồ sao chép một thương hiệu nổi tiếng.
Không may mắn như Facebook, hãng Apple vào tuần rồi đã thua trong cuộc chiến liên quan đến thương hiệu “IPHONE” ở Trung Quốc. Phán quyết của tòa án Bắc Kinh cho phép Công ty Xintong Tiandi Technology tiếp tục bán các sản phẩm bằng da mang thương hiệu “IPHONE”.
Bình luận (0)