"Mối đe dọa xuất phát từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đã bước sang một giai đoạn mới" – Bộ Quốc phòng Nhật Bản trong một tuyên bố khẳng định.
Cụ thể, các trạm radar trên đất liền và tên lửa đánh chặn của hệ thống Aegis Ashore do Mỹ sản xuất sẽ được bổ sung vào hệ thống nói trên.
Đề xuất thiết lập 2 khẩu đội Aegis Ashore đã được nội các thông qua.
Theo Kyodo News, giới chức bộ quốc phòng trong cuộc họp với Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền hôm 12-12 cho biết mỗi chi phí của mỗi khẩu đội Aegis Ashore ước tính chưa đến 100 tỉ yen (888 triệu USD).
Hai khẩu đội Aegis Ashore dự kiến chính thức đi vào hoạt động sớm nhất là vào năm 2023.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis trên đất liền. Ảnh: Reuters
Trước đó, vào đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera cho biết trong yêu cầu ngân sách cho tài khóa 2018, bộ này đã đề nghị chính phủ chi 730 triệu yen (6,5 triệu USD) nhằm khảo sát và nghiên cứu vị trí triển khai Aegis Ashore, được phát triển bởi Tập đoàn vũ khí Lockheed Martin (Mỹ).
Động thái trên diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Donald Trump kêu gọi Thủ tướng Shinzo Abe tăng cường mua thiết bị quân sự Mỹ để đối phó với Triều Tiên.
Bình Nhưỡng trong năm nay đã phóng 2 quả tên lửa bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Hồi tháng 9, Triều Tiên đe dọa nhấn chìm Nhật Bản "xuống biển sâu" bằng vũ khí hạt nhân, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ biến thành "tro bụi" nếu thách thức Bình Nhưỡng.
Đến ngày 29-11, Bình Nhưỡng thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo có khả năng tấn công Mỹ và bay qua hệ thống phòng không cửa Nhật Bản.
Nhật Bản hiện có hệ thống phòng thủ tên lửa 2 lớp, gồm hệ thống Aegis trên tàu để đối phó với tên lửa đạn đạo tầm thấp và tầm trung ngay trên không trung, bên cạnh hệ thống PAC-3 ở mặt đất nhằm bắn hạ tên lửa ở giai đoạn cuối.
Việc phê duyệt triển khai bổ sung hệ thống Aegis Ashore được đánh giá là cần thiết bởi trong lần thử nghiệm được tiến hành ngoài khơi Hawaii vào tháng 6 qua, Nhật Bản và Mỹ không bắn hạ được một tên lửa đạn đạo mục tiêu.
Trước khi quyết định chọn hệ thống Aegis Ashore, giới hoạch định quốc phòng Nhật Bản cũng cân nhắc hệ thống phòng chống tầm cao giai đoạn cuối (THAAD).
Bình luận (0)