Dù ông Onodera không nói đến Triều Tiên trong thông báo của mình, quyết định trên được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng gần đây phóng một số tên lửa đạn đạo qua không phận Nhật Bản.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản, bộ này dự định yêu cầu một ngân sách đặc biệt cho tài khóa bắt đầu từ tháng 4-2018 để mua loại tên lửa nói trên, có khả năng được phóng từ máy bay quân sự xuống các mục tiêu trên biển hoặc đất liền.
Tuy nhiên, ông Onodera nói thêm số tên lửa này sẽ được sử dụng cho mục đích phòng vệ và Nhật vẫn dựa vào Mỹ trong việc tấn công căn cứ kẻ thù.
Tên lửa JASSM. Ảnh: StockTrek Images
"Chúng tôi có kế hoạch mua tên lửa tấn công chung (JSM) có thể được máy bay tàng hình F-35A sử dụng" - ông Onodera cho biết. Ngoài ra, Tokyo còn muốn đưa loại tên lửa không đối đất - gọi tắt là JASSM-ER - của hãng Lockheed Martin Corp lên chiến đấu cơ F-15 của mình.
JSM của hãng Kongsberg Defence and Aerospace (Na Uy) có tầm bắn 500 km trong khi JASSM-ER có thể tấn công mục tiêu ở cách xa 1.000 km.
Tên lửa JSM. Ảnh: Bryensblog.com
Lực lượng tên lửa Nhật Bản hiện chỉ có 2 loại chống máy bay và chống hạm với tầm bắn chưa đến 300 km. Hiến pháp Nhật Bản hiện cấm sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Tuy nhiên, mối đe dọa ngày càng tăng từ Triều Tiên khiến không ít chính khách kêu tăng cường sức mạnh quân sự để ngăn chặn nguy cơ bị tấn công. Vào đầu tuần này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với quốc hội rằng các vụ thử tên lửa của Triều Tiên là mối đe dọa trước mắt với đất nước và việc nói chuyện với Bình Nhưỡng lúc này là vô nghĩa.
Kế hoạch mua tên lửa của Nhật Bản được công bố trong ngày cuối cùng của cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn Quốc đang bị Triều Tiên lên án mạnh mẽ. Quân đội Triều Tiên ra tuyên bố chỉ trích Seoul và Washington phơi bày ý định trừng phạt Bình Nhưỡng khi bị đe dọa bằng vũ khí và tên lửa hạt nhân.
Ông Jeffrey Feltman (trái) gặp Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho hôm 7-12. Ảnh: KCNA/Yonhap
Ngoài ra, trong một tuyên bố khác đưa ra hôm 9-12, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA cho biết đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Jeffrey Feltman, người thăm Bình Nhưỡng tuần này, đã bày tỏ sự sẵn sàng giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tuyên bố của KCNA cho biết thêm ông Feltman còn thừa nhận tác động tiêu cực của các biện pháp trừng phạt đối với hoạt động viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên.
Ông Feltman, quan chức Liên Hiệp Quốc cao cấp nhất đến Triều Tiên từ năm 2012, chưa bình luận gì về thông tin trên.
Bình luận (0)