Một quan chức an ninh giấu tên của phương Tây ngày 18-8 tiết lộ với Reuters rằng hơn 2.200 nhân viên ngoại giao, nhân viên an ninh nước ngoài và những công dân Afghanistan từng làm việc cho các đại sứ quán đã được sơ tán khỏi quốc gia này sau khi phong trào Taliban kiểm soát thủ đô Kabul. "Chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực sơ tán với tốc độ rất nhanh và công tác hậu cần đến giờ chưa gặp bất cứ vấn đề nào" - quan chức này cho biết thêm.
Trước đó 1 ngày, tại buổi họp báo đầu tiên kể từ khi kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan, người phát ngôn Taliban Zabihullah Mujahid tuyên bố phong trào này muốn hòa bình, đồng thời cam kết tôn trọng nữ quyền "trong khuôn khổ của luật Hồi giáo" và sẽ không truy lùng kẻ thù cũ. Tuy nhiên, hàng ngàn công dân Afghanistan - trong đó có nhiều người hỗ trợ các lực lượng nước ngoài do Mỹ dẫn đầu suốt hơn 2 thập kỷ qua, tỏ ra hoài nghi những cam kết trên và vẫn tìm mọi cách để chạy trốn.
Cũng trong ngày 17-8, Phó Tổng thống thứ nhất của Afghanistan Amrullah Saleh tuyên bố ông đang ở Afghanistan và là "tổng thống lâm thời hợp pháp" sau khi Tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước. Khẳng định sẽ không bao giờ cúi đầu trước "các phần tử khủng bố Taliban", ông Saleh cho biết đang triệu tập giới lãnh đạo quân sự để chống lại phong trào này.
Người tị nạn Afghanistan được máy bay vận tải Airbus A400 của không quân Đức sơ tán khỏi Kabul và đưa đến TP Tashkent - Uzbekistan hôm 17-8. Ảnh: REUTERS
Sau 2 thập kỷ nỗ lực loại bỏ Taliban, các cường quốc phương Tây đang đối mặt với quyết định khó khăn liên quan đến vấn đề đàm phán với phong trào này.
Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Anh tuyên bố sẵn sàng làm việc với chính phủ mới do Taliban lãnh đạo nếu phong trào này tôn trọng các quyền lợi cơ bản của người dân Afghanistan và không chứa chấp các phần tử khủng bố. Ngược lại, Thủ tướng Canada Justin Trudeau nhấn mạnh quốc gia của ông "không có kế hoạch công nhận Taliban là chính quyền ở Afghanistan".
Theo bà Lisa Curtis, một cố vấn cấp cao dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington cần đề ra các tiêu chuẩn công nhận cao đối với Taliban và sử dụng chúng để buộc phong trào này hành xử tích cực.
"Chúng ta cần ưu tiên quyền lợi của người dân Afghanistan, bảo đảm rằng họ có thực phẩm để ăn, có thể sinh sống. Nếu không, chúng ta sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô khổng lồ" - bà Curtis cảnh báo.
Với những gì đang diễn ra tại Afghanistan, chuyên gia Carsten Nickel của Công ty Teneo (Mỹ) nhận định các nước phương Tây có thể lại đối mặt với một cuộc khủng hoảng nhân đạo tương tự hồi năm 2015, khi hàng triệu người dân tị nạn Syria và những quốc gia khác đổ dồn về biên giới châu Âu.
Trong khi nhiều nước thành viên EU sẵn sàng tiếp nhận người di cư chạy trốn chiến tranh, không ít nước như Hungary tỏ ra dè dặt hơn nhiều. Đài CNBC cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu đã bắt đầu thảo luận để lập kế hoạch ứng phó với làn sóng tị nạn đến từ Afghanistan.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Đảng Liên minh Dân chủ Cơ Đốc giáo (CDU) cầm quyền Đức Armin Laschet, ứng viên hàng đầu thay thế Thủ tướng Angela Merkel, đã kêu gọi châu Âu chung tay để bảo đảm "khủng hoảng 2015 không tái diễn". Dù vậy, theo chuyên gia Nickel, chia rẽ nhiều khả năng vẫn xảy ra bất kể tình hình Afghanistan diễn biến như thế nào, bởi quan điểm của các nước thành viên EU về vấn đề này là "quá khác biệt".
Bình luận (0)