Theo nội dung sách lược quốc phòng 10 năm được chính phủ Thủ tướng Malcolm Turnbull công bố, Canberra thúc giục Bắc Kinh hành động có tính xây dựng để góp phần vào sự ổn định, an ninh và thịnh vượng toàn cầu. “An ninh và thịnh vượng của Úc gắn liền với sự ổn định của khu vực và với sự duy trì một trật tự toàn cầu ổn định dựa trên pháp luật” – ông Turnbull tuyên bố.
Úc cũng yêu cầu Trung Quốc nói rõ ý đồ quân sự của nước này ở biển Đông.
Đây là sách lược quốc phòng đầu tiên của Úc kể từ khi Bắc Kinh xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo Trường Sa (của Việt Nam), đồng thời triển khai tên lửa đất đối không, máy bay chiến đấu… tới đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa (cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Cũng theo văn kiện trên, Úc sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% của tổng sản phẩm quốc nội (tương đương 58 tỉ AUD) từ nay đến năm 2023 để bảo vệ lợi ích của nước này và các đồng minh trước sự bành trướng nguy hiểm của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương. Con số này trong tài khóa hiện nay là 32 tỉ AUD.
Theo Reuters, ngân sách quốc phòng của Úc dự kiến tăng lên 195 tỉ AUD (khoảng 140 tỉ USD) vào năm 2021 hoặc 2022.
Phát biểu tại thủ đô Canberra hôm 25-2, Thủ tướng Turnbull cho biết nước này sẽ mua hàng loạt khí tài mới bao gồm tàu khu trục, xe bọc thép, máy bay chiến đấu, tàu ngầm và đầu tư cho an ninh mạng. Ngoài ra, Úc sẽ lần đầu tiên mua máy bay do thám không người lái để bảo vệ chủ quyền biển và biên giới trên đất liền cũng như hỗ trợ quân đội.
Ông Turnbull nói chiến lược quốc phòng sắp tới của Úc nhằm đáp ứng với sự thay đổi của an ninh trong khu vực, nhất là sự trỗi dậy về quân sự của Trung Quốc cùng chiến lược xoay trục sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.
“Trong 2 thập kỷ tới, Mỹ vẫn là lực lượng quân sự ưu việt trên toàn cầu. Họ sẽ tiếp tục là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Úc dựa trên quan hệ liên minh bền vững giữa 2 nước và sự hiện diện tích cực của Mỹ sẽ tiếp tục củng cố ổn định khu vực” – ông Turnbull lưu ý.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne cho biết Canberra một mặt tăng cường và mở rộng quan hệ quốc phòng với Bắc Kinh, mặt khác kêu gọi nước này không xây đảo và quân sự hóa biển Đông để xuống thang căng thẳng.
Cũng theo bà Payne, Úc sẽ mua thêm 12 tàu ngầm, đóng 9 tàu khu trục và 12 tàu tuần tra xa bờ. Đối tác cung cấp tàu ngầm cho Úc sẽ được công bố vào cuối năm nay. Reuters đầu tháng 2 cho biết thương vụ tàu ngầm trị giá 36 tỉ USD đang là cuộc đua giữa 2 đối tác tiềm năng Nhật Bản và Pháp.
Tàu khu trục USS Zumwalt của Mỹ. Ảnh: Reuters
Trong một diễn biến mới nhất, hôm 24-2, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, cho biết Washington sẽ thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không mạnh mẽ hơn ở biển Đông, bằng cách cho tàu và máy bay hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép. “Chúng ta có thể xem xét việc đưa tàu ngầm tấn công, tàu khu trục… ra đó (biển Đông). Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm” – ông Harris nói tại phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ hôm 24-2.
Cũng theo ông Harris, Hải quân Mỹ đang cân nhắc triển khai thêm một tàu ngầm hạt nhân và tàu khu trục lớp Zumwalt hiện đại nhất (có thể tránh được radar và được trang bị tên lửa dẫn đường cũng như pháo bắn bằng điện từ trường) đến vùng Tây Thái Bình Dương để đối phó với những động thái quân sự của Trung Quốc trên biển Đông.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani ủng hộ những chỉ trích của giới chức quân sự Mỹ về hoạt động quân sự hóa các đảo nhân tạo của Trung Quốc, đơn phương làm thay đổi hiện trạng biển Đông.
Bình luận (0)