Đó là lời khuyên của chuyên gia Peter Jennings - Giám đốc Viện Chính sách Chiến lược Úc sau khi Trung Quốc bị phát hiện triển khai hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 trên đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng đang bị Bắc Kinh chiếm giữ trái phép).
Nhắc lại vụ máy bay MH-17 của hãng Malaysia Airlines bị trúng tên lửa ở miền Đông Ukraine tháng 7-2014 (khiến 39 người Úc thiệt mạng), ông Jennings cho rằng sự hiện diện của HQ-9 (với tầm bắn 200 km) ở biển Đông có thể gây ra nguy hiểm tương tự với các máy bay thương mại và máy bay của không quân Úc.
“Sẽ có rất nhiều cuộc thảo luận tương tự với các hãng hàng không thương mại, nhất là sau vụ ở Ukraine. Trước đó không có nhiều người quan tâm về tên lửa đất đối không nhưng giờ bất cứ hãng hàng không thương mại nào cũng phải tính đến rủi ro đó và sẽ phải bắt đầu nghĩ về việc đổi hướng” - ông Jennings nói.
Song song đó, viết trên tờ The Australian Financial Review ngày 21-2, chuyên gia nói trên nhận định hành động triển khai tên lửa trên đảo Phú Lâm cho thấy Bắc Kinh muốn tăng cường kiểm soát biển Đông bất chấp bị cộng đồng quốc tế lên án. Vì thế, hành động sai trái này của Trung Quốc sẽ thúc đẩy các nước láng giềng hợp tác chặt chẽ hơn.
Theo ông Jennings, lợi ích của Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nhưng Bắc Kinh vẫn bất chấp vì những yếu tố như chủ quyền lịch sử vô lý, chủ nghĩa dân tộc dân túy và tham vọng phát triển quân sự.
Ngoài ra, trong trường hợp Bắc Kinh từ chối rút tên lửa khỏi đảo Phú Lâm, điều này một lần nữa vạch trần chuyện Trung Quốc "nói một đằng, làm một nẻo" với tuyên bố không quân sự hóa biển Đông.
Bình luận (0)