Dự luật "Bảo vệ bầu cử khỏi các nguy cơ bằng cách thiết lập lằn ranh đỏ" (DETER) có nội dung Mỹ tự động giáng trừng phạt lên một loạt công ty và ngành công nghiệp Nga nếu giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ xác nhận có xảy ra sự can thiệp từ Moscow.
Thế nhưng, nếu thành luật và được áp dụng, các biện pháp trừng phạt kể trên sẽ quay ngược lại làm hại kinh tế Mỹ cũng như các lợi ích hợp pháp của đồng minh của Mỹ, còn Điện Kremlin vô sự.
Một nhà máy lọc dầu ở Novokuibyshevsk - Nga.Ảnh: BLOOMBERG
DETER sẽ gây thêm khoảng cách giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề trừng phạt, làm mất ổn định các thị trường năng lượng và dầu khí, đồng thời chặn đường các doanh nghiệp Mỹ vào Nga trong khi mở rộng cửa cho các đối thủ Trung Quốc và châu Âu.
Tệ hơn cả là các công ty Nga không phải chịu thiệt hại hơn là mấy so với các lệnh trừng phạt hiện nay, còn các công ty Mỹ buộc phải rút khỏi các liên doanh ở Nga hoặc với đối tác Nga, chấm dứt các dự án mới và nhận về thiệt hại tài chính nặng nề. Chỉ cần một công ty Nga mua cổ phần ở bất kỳ dự án nào đó trên thế giới cũng đã đủ để "đá" công ty Mỹ ra, từ đó tạo điều kiện cho ngành năng lượng Nga kiểm soát nhiều dự án hơn và đạt được nhiều lợi thế chính trị hơn.
Điều đó không có nghĩa là Mỹ không nên đáp trả một khi Nga can thiệp. Đạo luật Đối phó kẻ thù của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) đã được thông qua vào mùa hè năm ngoái với sự ủng hộ lớn của lưỡng đảng. Quốc hội Mỹ nên tập trung cập nhật và gia tăng sức nặng của những biện pháp này, đồng thời kết hợp với các ý tưởng mới đến từ Hội đồng Đại Tây Dương.
Bình luận (0)