Theo báo cáo của chính phủ Úc, hơn 33% gấu koala ở bang New South Wales, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, có thể đã bị lửa "nuốt chửng" cùng những cánh rừng bạch đàn trên khắp cả nước.
Hành động để sinh tồn
"Đây không phải là cháy rừng. Đây là một quả bom nhiệt hạch" - Bộ trưởng Giao thông và Đường bộ New South Wales, ông Andrew Constance, khẳng định.
Úc đang trải qua mùa hỏa hoạn tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ vì điều kiện thời tiết khắc nghiệt bất thường với hạn hán kéo dài và nắng nóng kỷ lục. Thủ phạm, theo nhiều chuyên gia, chính là biến đổi khí hậu.
Nhiệt độ trung bình của Úc đạt mức cao kỷ lục 41,8 độ C hồi tháng 12-2019, thời điểm mùa hè ở Nam Bán Cầu bắt đầu, sau khi quốc gia này trải qua mùa xuân khô cằn nhất lịch sử.
Máy bay trực thăng chữa cháy tại khu vực Đông Gippsland, bang Victoria - Úc Ảnh: AP
Thời tiết Úc trong 20 năm qua trở nên khô và nóng hơn quãng thời gian 20 năm trước đó. Nắng nóng và hạn hán khiến đất đai khô cằn, biến vùng nông thôn của Úc trở thành "một chiếc hộp mồi lửa". Rạn san hô Great Barrier (GBR) mang tính biểu tượng của quốc gia này cũng đang trong tình trạng nguy hiểm vì nhiệt độ đại dương tăng cao. Trong khi đó, Úc lại là quốc gia xuất khẩu than lớn nhất thế giới và chính phủ của họ đang trì trệ trong vấn đề cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
"Năm nay xứng đáng là năm biểu tượng cho tác động của biến đổi khí hậu. Những xu hướng không thể phủ nhận và điều kiện thời tiết khó lường đã gây ra hàng loạt sự kiện thảm khốc" - Giám đốc Viện Môi trường Stanford (Mỹ) Chris Field khẳng định.
"Câu hỏi cần quan tâm lúc này là "Chúng ta còn muốn tình hình tồi tệ như thế nào nữa?". Nếu đây là hậu quả từ việc nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 1 độ C, chúng ta có muốn chứng kiến hậu quả khi nhiệt độ tăng thêm 3 độ C hoặc hơn hay không?" - ông Nerilie Abram, Trường ĐH Quốc gia Úc, nhấn mạnh.
Cắt giảm khí CO2: Chưa đủ
Theo bà Elizabeth Kolbert - tác giả của cuốn "The Sixth Extinction" (tạm dịch: Đợt tuyệt chủng thứ sáu), lượng khí CO2 được thải ra trong 10 năm qua nhiều hơn trong toàn bộ lịch sử nhân loại tính đến năm 1961.
"Cần phải thức tỉnh, chúng ta không thể mơ mộng và nói với bản thân rằng mọi chuyện sẽ ổn. Tình hình hiện tại còn hơn cả cấp bách. Thế giới đang gặp nguy hiểm, chúng ta phải hành động tức thì để sinh tồn" - bà Kolbert nhấn mạnh.
Trong khi đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison, người phớt lờ lời kêu gọi cắt giảm khí thải carbon, từng khẳng định vào tháng 11-2019 rằng "không có bằng chứng khoa học đáng tin cậy" cho thấy cắt giảm khí thải sẽ giảm bớt cháy rừng.
Dù vậy, các nhà khoa học khẳng định cháy rừng ở Úc "là một minh chứng rõ ràng về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan". Họ nhấn mạnh mặc dù lửa có thể bùng phát vì nguyên nhân tự nhiên hoặc con người, biến đổi khí hậu là lý do chính khiến cháy rừng ở Úc vượt tầm kiểm soát. Tồi tệ hơn, các đám cháy có thể làm tăng thêm lượng khí CO2 trong bầu khí quyển, khiến biến đổi khí hậu trở nên nghiêm trọng hơn.
"Biến đổi khí hậu đang khiến những thảm họa như thế này trở nên thảm khốc hơn và ngược lại, những thảm họa như thế này đang khiến biến đổi khí hậu trở nên thảm khốc hơn" - ông Peter Gleick, Viện Nghiên cứu Thái Bình Dương ở California - Mỹ, giải thích.
Trong khi đó, ông David Bowman, Trường ĐH Tasmania (Úc), nói rằng chỉ cắt giảm khí CO2 thôi là chưa đủ mà bây giờ, chúng ta phải thích ứng để giảm thiểu tác động của thảm họa thiên nhiên. Chẳng hạn như ở Úc, theo ông Bowman, một sự thích ứng mà người dân nước này có thể làm là chuyển mùa nghỉ lễ truyền thống - thời điểm học sinh được nghỉ hè - sang những tháng mát hơn để các gia đình không đến rừng và công viên quốc gia trong mùa hỏa hoạn cao điểm. Điều này có thể giúp giảm sức ép cho lính cứu hỏa và khiến quá trình sơ tán khẩn diễn ra dễ dàng hơn, nếu cần.
Thương vong gia tăng
Theo chính phủ Úc, tính đến ngày 9-1, các đám cháy đã cướp đi sinh mạng của 27 người và thiêu rụi hơn 10,3 triệu ha đất. Giới chức địa phương cùng ngày kêu gọi người dân sẵn sàng sơ tán khẩn trong bối cảnh nhiệt động tăng trở lại sau đợt mưa hôm 6-1.
"Nếu nhận được chỉ thị sơ tán, các bạn phải sơ tán. Đây là cách duy nhất để bảo đảm an toàn cho các bạn. Một số khu vực sẽ rất nguy hiểm nếu ở lại. Chúng tôi không thể bảo đảm sự an toàn của các bạn" - Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews khẳng định.
Bình luận (0)