Theo chuyên gia Jon Davis của Công ty Phân tích rủi ro chuỗi cung ứng Everstream Analytics (Mỹ), lượng mưa tại Panama vào mùa xuân và mùa hè năm nay đã đạt mức thấp nhất kể từ đầu thế kỷ này.
Đáng chú ý, tình trạng thiếu mưa khiến mực nước kênh đào Panama sụt giảm, buộc nhà chức trách hạn chế lượng tàu qua lại hằng ngày và độ sâu tối đa của nước cho tàu thuyền. Vào tuần rồi, theo đài CNN, Cơ quan quản lý kênh đào Panama thông báo tiếp tục biện pháp trên trong ít nhất 10 tháng nữa do khô hạn kéo dài.
Một tàu hàng đi qua kênh đào Panama Ảnh: Reuters
Đây được xem là nỗ lực để kênh đào Panama duy trì lượng nước trước khi đến mùa mưa tiếp theo. Phần lớn Trung Mỹ, trong đó có Panama, đã rơi vào cảnh hạn hán nghiêm trọng trong những tháng gần đây và hiện tượng thời tiết El Nino có thể khiến tình hình thêm xấu đi.
Kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương, phân chia khu vực Bắc Mỹ và Nam Mỹ. Kênh đào này giúp giảm đáng kể thời gian tàu thuyền đi lại giữa Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, cũng như tránh được những tuyến đường khác dài và nguy hiểm hơn.
Theo thống kê, hơn 14.000 tàu đã đi qua kênh đào Panama trong năm 2022. Trong đó, tàu container sử dụng tuyến đường thủy này nhiều nhất để vận chuyển hơn 40% hàng tiêu dùng được giao thương giữa Đông Bắc Á và bờ Đông Mỹ. Các hãng tàu đã buộc phải dỡ bớt hàng hóa hoặc xem xét tuyến đường thay thế để tuân thủ các biện pháp hạn chế nói trên.
Trước mắt, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người tiêu dùng ở Mỹ dường như không chịu nhiều tác động. Dù vậy, về lâu dài, nguy cơ chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn sẽ ngày một tăng. Bà Janelle Griffith, chuyên gia tại Công ty Tư vấn rủi ro Marsh (Mỹ), cảnh báo chỉ cần một phần bị nghẽn, phần còn lại của chuỗi cung ứng cũng tự động bị ảnh hưởng.
Bình luận (0)