Một trong số công ty đang chạy nước rút để đưa vào hoạt động chiếc xe tải đầu tiên như vậy là TuSimple ở TP San Diego, bang California - Mỹ. Được thành lập vào năm 2015, hiện TuSimple đã hoàn thành thử nghiệm trên khoảng 3,2 triệu km đường khắp nước Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, với sự tham gia của 70 xe tải nguyên mẫu của công ty.
Không giống xe tự lái, xe tải của TuSimple không cần len lỏi trong các thành phố đông đúc mà chỉ chạy trên các cung đường cao tốc đã được định vị kỹ bằng phần mềm của công ty. "Chúng tôi tạo ra bản đồ độ nét cao, cực kỳ chi tiết cho mỗi cung đường. Đây chính là một lớp bảo đảm an toàn nữa cho xe tải" - ông Cheng Lu, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) của TuSimple, nói.
Theo ông Lu, hệ thống này chưa hoàn thiện toàn bộ nên trong lúc thử nghiệm, trên xe của TuSimple vẫn có một tài xế và một kỹ sư. "Tuy nhiên, xe hoàn toàn tự chạy, tài xế không hề chạm vào vô-lăng" - ông Lu nhấn mạnh.
Đội xe tải tự hành của TuSimple. Ảnh: TUSIMPLE
Chặng đường thử nghiệm mới nhất của TuSimple dài hơn 1.500 km, từ TP Nogales của bang Arizona tới TP Oklahoma của bang cùng tên. Đoạn đường này được hoàn tất trong 14 giờ thay vì 24 giờ như khi có tài xế, nguyên nhân chủ yếu do… xe tải không cần ngủ.
"Tại Mỹ, tài xế chỉ có thể làm việc 11 giờ/ngày" - ông Lu giải thích, đồng thời cho biết công nghệ được sử dụng sẽ cộng thêm khoảng 50.000 USD vào giá thành xe tải, "chốt" mức giá cuối cùng xấp xỉ 200.000 USD/xe.
Theo CEO TuSimple, giá công nghệ cộng thêm vẫn rẻ hơn chi phí phải trả cho 1 tài xế. "Đem 50.000 USD chia cho 1,6 triệu km (vòng đời trung bình của một xe tải), tức là bạn phải chi thêm 5 xu cho 1,6 km. Trong khi đó, lương bình quân trả cho tài xế ở Mỹ khoảng 80.000 - 120.000 USD/năm/người, tương đương 80 xu đến 1,2 USD cho 1,6 km. Ngày nay, chi phí lao động trực tiếp chiếm khoảng 50% chi phí vận hành 1 xe tải" - phía TuSimple tính toán.
Ngoài ra, TuSimple cho rằng xe tải của họ phản ứng nhanh hơn tài xế 15 lần và có thể "nhìn" xa hơn, ngay cả trong đêm. "Mỗi năm tại Mỹ có khoảng 5.000 vụ tai nạn chết người liên quan xe tải, đa phần đều do lỗi con người. Trong khi đó, xe tải tự hành không biết mệt, không phân tâm vì vừa lái xe vừa xem phim hay nhìn điện thoại" - ông Lu chỉ ra.
Với những ưu điểm trên, xe tải tự hành vẫn không cướp mất chỗ của tài xế - TuSimple nhấn mạnh. Đất sống của xe tải tự hành nằm ở "đoạn giữa" - từ các cảng hàng hóa đến trung tâm phân phối, chứ không phải mở đầu (bốc hàng) hay đoạn cuối (giao hàng).
Ông Lu lập luận: Xe tải tự hành có thể liên tục chạy đi chạy về để vận chuyển hàng hóa, giúp giải phóng cánh tài xế khỏi phần việc nhàm chán nhất này để tập trung lực lượng vào phần đầu và cuối, qua đó tối ưu hóa thời gian và tăng hiệu quả làm việc.
Hiện TuSimple đặt mục tiêu thử nghiệm tự hành hoàn toàn, không có tài xế dự phòng trên xe tải, trước cuối năm nay. Đích nhắm xa hơn là cho ra thị trường xe tải tự lái đầu tiên vào năm 2024, bằng cú bắt tay với 2 hãng xe tải lớn nhất thế giới là Navistar ở Mỹ và Traton (thuộc Tập đoàn Volkswage) ở châu Âu.
Bình luận (0)