Bắc Kinh đang giúp Islamabad thực hiện các dự án hạ tầng thông qua thỏa thuận trị giá 62 tỉ USD gọi là Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC).
Trung Quốc giờ đây sử dụng CPEC để theo đuổi quan hệ kinh tế gần gũi hơn với Afghanistan, một quốc gia nghèo được biết đến nhiều hơn thông qua các cuộc nội chiến từ những năm 1970. Các nhà đầu tư hiếm khi đặt Afghanistan vào danh sách ưu tiên.
Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là nhà đầu tư thông thường. Bắc Kinh xem Afghanistan là địa điểm lý tưởng cho các dự án đường cao tốc, đường sắt mới có thể tạo thuận lợi cho thương mại song phương và với những nước khác.
Tuyến đường sắt cho phép vận chuyển hàng hóa từ miền Đông Trung Quốc đến cảng Hairatan ở Afghanistan trong 2 tuần Ảnh: TÂN HOA XÃ
Trung Quốc có thể nhìn thấy sự bất ổn ở Afghanistan là một cơ hội. Hơn nữa, Ấn Độ, đối thủ của Trung Quốc tại khu vực, đang giúp Afghanistan xây dựng các bệnh viện, đập và đường sá. Hai quốc gia lớn nhất châu Á đang tranh giành ảnh hưởng địa chính trị.
Về lâu dài, việc thiết lập tuyến thương mại thông qua Pakistan và Afghanistan sẽ giúp Trung Quốc có thêm cơ hội giao thương trực tiếp với Iran, từ đó mở ra cánh cửa thúc đẩy thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ. Trang web chính thức của CPEC cho rằng dự án không chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc, Pakistan mà còn có tác động tích cực đến Iran, Afghanistan, Ấn Độ, Trung Á và khu vực. Trung Quốc hồi cuối năm ngoái đã nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Afghanistan và Pakistan trong động thái phát đi tín hiệu thân thiện đến cả hai nước.
Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất Afghanistan. Hồi tháng 9-2016, hai nước mở tuyến đường sắt cho phép vận chuyển hàng hóa từ miền Đông Trung Quốc đến cảng Hairatan ở tỉnh Balkh - Afghanistan trong 2 tuần, so với 6 tháng nếu được vận chuyển bằng đường bộ. Tuyến đường sắt này được cho là thúc đẩy Afghanistan xuất khẩu nhiều hàng hóa hơn vào Trung Quốc, trong lúc cho phép Bắc Kinh đầu tư nhiều hơn vào quốc gia Nam Á này.
Bình luận (0)