Đó là Jack Straw, thuộc Công Đảng, làm ngoại trưởng từ năm 1995-1997 và Malcolm Rifkind, thành viên Đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron, làm ngoại trưởng từ năm 2001-2006.
Hai ông này bị cánh nhà báo lén quay phim khi đang làm đại diện của một hãng Trung Quốc. Đành rằng các nghị sĩ Anh không bị cấm kiếm thêm bằng cách làm việc cho công ty tư nhân nhưng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt bao gồm báo cáo mọi quyền lợi và không sử dụng nguồn tài chính của quốc hội.
Theo điều tra của báo Daily Telegraph và đài truyền hình Channel 4 - từng phanh phui vụ bê bối năm 2009 liên quan đến chi tiêu của các nghị sĩ, 2 chính khách trên đã đề nghị làm người đại diện cho một công ty đặt trụ sở ở Hồng Kông với mức thù lao ít nhất 9.890 USD/ngày.
Cáo buộc cho biết ông Rifkind tự nhận có thể thu xếp “cơ hội tiếp cận hữu ích” với mọi đại sứ Anh trên toàn cầu. Còn ông Straw “khoe” lâu nay vẫn dùng văn phòng nghị sĩ của mình cho công việc tư vấn cũng như sử dụng ảnh hưởng của mình với Liên minh châu Âu và chính phủ Ukraine. Nhờ vậy, một công ty thương mại đã đồng ý trả cho ông khoảng 90.000 USD/năm.
Trước cáo buộc nhằm vào mình, ông Straw cho rằng ông bị lọt bẫy dù đã cố tránh hết sức. Còn ông Rifkind khẳng định những lời buộc tội không có cơ sở, đồng thời quả quyết chống lại bằng tất cả sức mạnh. Hai ông đang đối mặt cuộc điều tra của Ủy viên Tiêu chuẩn của quốc hội với án phạt có thể là đình chỉ tạm thời tư cách nghị sĩ hoặc buộc phải xin lỗi. Tuy nhiên, cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra vào ngày 7-5 tới nên cả Công Đảng lẫn Đảng Bảo thủ đều tìm cách hạn chế thiệt hại cho đảng của mình.
Bình luận (0)