"Sóng thần Himalaya"
Binh sĩ Ấn Độ tham gia cứu người dân bị mắc kẹt ở bang Uttarakhand Ảnh: CHINA DAILY
Người phát ngôn của chính quyền bang, Amit Chandola, xác nhận 80.000 người đã được cứu thoát bằng đường không và đường bộ. Tuy vậy, vẫn còn khoảng 7.000 người mắc kẹt ở thánh địa hành hương Badrinath trên dãy Himalaya.
Theo phóng viên đài BBC, các hoạt động cứu nạn đang bị ngăn trở vì mưa lớn, còn núi thì bị mây và sương mù che phủ. Sáng 24-6, trực thăng chở lực lượng đặc biệt tìm kiếm người sống sót đã buộc phải quay lại do thời tiết xấu.
Dân cư và các giới chức thành phố Kedarnath, nơi nhiều ngôi đền Hindu tọa lạc, đều kinh hoàng trước sức tàn phá của những trận lũ và lở đất tuần qua. Họ gọi đó là "cơn sóng thần của dãy Himalaya". Đồng thời, người dân cáo buộc nhà chức trách bang Uttarakhand đã không hoàn thành nhiệm vụ, cụ thể là thiếu cảnh báo kịp thời và cơ quan ứng phó thiên tai phản ứng chậm.
Cứu trợ 10 tỉ rupee
Thảm họa xảy ra đúng lúc hàng trăm ngàn người theo đạo Hindu đi hành hương, viếng 4 ngôi đền thiêng ở bang Uttarakhand. Thông thường, du khách kéo đến trước mùa mưa vào tháng 7, không ngờ năm nay mưa lại đến sớm. Gần một tuần nay, mưa xối xả không ngừng đã cuốn trôi nhà cửa, gây ra lở đất và làm đứt các đường dây liên lạc.
Ngày 23-6, giới chức Ấn Độ cho biết các đội cứu nạn ở Kedarnath đã chuyển sang tìm thi thể nạn nhân, trong đó có nhiều du khách và người hành hương. Ngoài ra, hàng trăm người đã hạ trại ở Dehradun, thủ phủ bang Uttarakhand để tìm kiếm người thân và bạn bè. Tuy nhiên, vẫn chưa biết chính xác số người chết và mất tích.
Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh mô tả tình hình hiện nay của đất nước là tai họa, đồng thời thông báo khoản cứu trợ 10 tỉ rupee (hơn 3.521 tỉ đồng) cho bang Uttarakhand. Khoảng 10.000 binh sĩ, nhân viên bán quân sự và giới chức ứng phó thiên tai đã làm việc suốt tuần qua để giải cứu những người bị mắc kẹt. Những người được cứu kể nhiều câu chuyện đau lòng về tình trạng gian khổ và thiếu thốn của họ.
Trong khi đó, các nhóm thiện nguyện và công dân trên khắp Ấn Độ đang đóng góp áo quần, thực phẩm, chăn và tiền để cứu trợ cư dân bang Uttarakhand. Theo hãng tin AP, đại sứ Mỹ Nancy J. Powell cho biết Washington sẽ viện trợ khẩn cấp 150.000 USD cho các gia đình sống tại những nơi hẻo lánh thuộc bang này.
Bình luận (0)