Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc ngày 8-12 đã tiến hành phiên họp đặc biệt để thảo luận về quyết định của Mỹ giữa lúc biểu tình bạo lực và đụng độ bùng phát ở Bờ Tây, Dải Gaza.
Đụng độ leo thang
Các tòa đại sứ Mỹ ở Trung Đông đang chịu nhiều áp lực khi các cuộc biểu tình phản đối quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của ông Donald Trump bước sang ngày thứ hai. Đụng độ lan rộng giữa người Palestine và lực lượng an ninh Israel sau khi bùng phát hôm 7-12.
Giới chức ngoại giao Mỹ và gia đình phải hoạt động dưới sự giới hạn an ninh nghiêm ngặt, giữa lúc lo sợ các cuộc biểu tình có thể gia tăng nhằm vào các lợi ích của Mỹ trong khu vực sau lễ cầu nguyện thứ sáu. Bộ Ngoại giao Mỹ đã phát "cảnh báo toàn cầu" tới tất cả công dân Mỹ đang du lịch nước ngoài.
Người biểu tình Palestine cầu nguyện giữa cuộc đụng độ với binh lính Israel trong cuộc biểu tình
ở Ramallah hôm 7-12 Ảnh: REUTERS
Theo báo The Guardian (Anh), Israel đã triển khai các lực lượng an ninh bổ sung nhằm đón đầu nguy cơ đụng độ leo thang ở Jerusalem và các thành phố Bờ Tây. Các biện pháp tăng cường được đưa ra trong khi lãnh đạo Hezbollah Hassan Nasrallah hưởng ứng lời kêu gọi trước đó của Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas tại Dải Gaza nhằm tiến hành một cuộc chiến "đá cuội" Intifada mới để chống lại Israel.
Các đối đầu bạo lực nhất hôm 7-12 nổ ra ở Ramallah, Bethlehem và Hebron - nơi lực lượng Israel bắn hơi cay và đạn bọc cao su để đối phó hàng trăm người biểu tình ném đá và phóng hỏa các rào chắn. Tại Dải Gaza, hàng chục người biểu tình gần hàng rào biên giới và ẩu đả với binh lính Israel.
Đài BBC đưa tin hàng chục người Palestine bị thương trong khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết 3 rốc-két từ Dải Gaza đã bắn về phía lãnh thổ Israel nhưng không trúng mục tiêu. Theo The Jerusalem Post, nhóm thánh chiến địa phương Al-Tawheed Brigade lên tiếng nhận trách nhiệm nhưng phía Israel nhất quyết cho rằng thủ phạm là Hamas và dùng máy bay, xe tăng tấn công trả đũa 2 vị trí của phong trào mà Israel gọi là khủng bố này ở Dải Gaza.
Palestine lạnh nhạt
Các cuộc biểu tình cũng nổ ra khắp khu vực. Ở Jordan, người biểu tình tập trung gần Đại sứ quán Mỹ ở Amman, đốt cờ Mỹ và ảnh của ông Donald Trump. Tại Tunisia, hàng ngàn người biểu tình ôn hòa ở thủ đô Tunis và một số thành phố khác, trong khi các nghiệp đoàn địa phương kêu gọi các cuộc tuần hành quy mô lớn hơn sau ngày cầu nguyện thứ sáu. Biểu tình cũng xảy ra ở 2 quốc gia châu Á có đa số dân theo đạo Hồi là Indonesia và Malaysia.
Trong lúc lửa giận dữ bùng nổ, nhiều ánh mắt ái ngại đổ dồn về tiến trình hòa bình giữa Palestine và Israel. Theo Reuters, giới chức Mỹ tiết lộ khi điện đàm thông báo ý định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm 6-12, Tổng thống Donald Trump quả quyết rằng một kế hoạch hòa bình được đưa ra song song sẽ làm hài lòng người Palestine.
Cuộc điện đàm dường như rọi ánh sáng mới về những nỗ lực sau cánh gà của các cố vấn Nhà Trắng để thiết kế một kế hoạch hòa bình dự kiến sẽ trình làng vào nửa đầu năm 2018. Thế nhưng, số phận của kế hoạch này chưa biết đi về đâu khi sự phẫn nộ đang lan tràn khắp Trung Đông. Theo một quan chức Mỹ, giữa lúc biểu tình dâng cao ở Palestine và sự thiếu chắc chắn về việc liệu họ có cam kết với nỗ lực hòa bình không, tiến trình này có thể vẫn bị gián đoạn.
Thành viên cấp cao thuộc Phong trào Fatah của Palestine Jibril Rajoub hôm 7-12 nói rằng Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence không được chào đón tại Palestine trong chuyến thăm khu vực sắp tới. Ông Rajoub bóng gió Tổng thống Abbas sẽ không gặp ông Pence trong chuyến thăm dự kiến diễn ra trước Giáng sinh này. Phía Nhà Trắng khẳng định không hủy kế hoạch đối thoại giữa Phó Tổng thống Pence và tổng thống Palestine, đồng thời cảnh báo bất kỳ quyết định nào nhằm rút bỏ cuộc gặp này sẽ gây tác dụng ngược.
Bình luận (0)