Bế tắc xung quanh tương lai chính trị của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phần nào được khai thông sau khi quốc hội thông qua kiến nghị luận tội bà.
Khoảng trống lãnh đạo
Kiến nghị trên nhận được 234 phiếu thuận, vượt mức tối thiểu cần thiết là 200 trong quốc hội gồm 300 nghị sĩ. Ba đảng đối lập Hàn Quốc đưa ra kiến nghị luận tội sau khi tố bà Park vi hiến và phạm pháp do dính líu đến vụ bê bối tham nhũng của người bạn thân Choi Soon-sil. Phát biểu không lâu sau khi có kết quả bỏ phiếu, nhà lãnh đạo này đã gửi lời xin lỗi đến người dân cả nước vì “sơ suất” trong vụ bê bối.
Với kết quả trên, bà Park bị đình chỉ chức vụ tạm thời và quyền lực được giao cho Thủ tướng Hwang Kyo-ahn trong khi chờ Tòa án Hiến pháp xem xét và ra phán quyết về kiến nghị luận tội - một tiến trình có thể kéo dài 180 ngày.
Trong trường hợp có ít nhất 6/9 thẩm phán Tòa án Hiến pháp chấp nhận đề xuất luận tội, bà Park sẽ chính thức mất chức và cuộc bầu cử mới được tổ chức trong vòng 60 ngày sau đó. Ngược lại, bà Park sẽ được khôi phục chức vụ và tiếp tục nắm quyền đến khi kết thúc nhiệm kỳ 5 năm vào tháng 2-2018. Vào năm 2004, Tòa án Hiến pháp đã bác bỏ đề xuất luận tội cố Tổng thống Roh Moo-hyun sau 63 ngày xem xét.
Dù vậy, khoảng trống lãnh đạo mà bà Park để lại đe dọa phủ bóng hơn nữa lên chính trường Hàn Quốc giữa lúc nội bộ chia rẽ, kinh tế trì trệ và nhiều thách thức từ bên ngoài. Theo Yonhap, việc kiến nghị luận tội được thông qua chưa đủ làm phe đối lập hài lòng, nhất là Đảng Dân chủ. Điều họ muốn lúc này bà Park từ chức lập tức, xem đây là cách duy nhất để “bình thường hóa” các vấn đề quốc gia và đưa đất nước ra khỏi bế tắc chính trị.
Đảng này cũng sẵn sàng đòi Thủ tướng Hwang ra đi với lập luận việc quốc hội thông qua kiến nghị luận tội bà Park phản ánh sự bất tín nhiệm của công chúng đối với toàn bộ nội các hiện nay. Ông Kim Hyung-joon, giáo sư chính trị tại Trường ĐH Myongji, nhận định chính trường Hàn Quốc nhiều khả năng tiếp tục hỗn loạn trong bối cảnh Đảng Saenuri cầm quyền chắc chắn thêm chia rẽ, rạn nứt; còn các đảng đối lập khó tránh cảnh đấu đá về việc lựa chọn ứng viên cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
“Ngoại giao thượng đỉnh” gặp khó
Không dừng lại ở đó, ông Kim Tae-woo, giáo sư Trường ĐH Dongguk, cảnh báo khoảng trống lãnh đạo mà bà Park để lại có thể khiến đất nước thêm khó khăn trong việc xử lý các thách thức đối ngoại và an ninh quốc gia. Bị tác động mạnh nhất có lẽ là chiến lược “ngoại giao thượng đỉnh” mà Hàn Quốc theo đuổi lâu nay. Các cuộc gặp thượng đỉnh được xem là một kênh quan trọng để Seoul giải quyết các vấn đề, tranh chấp với những quốc gia khác. “Nạn nhân” đầu tiên của cuộc khủng hoảng có thể là hội nghị thượng đỉnh Hàn Quốc - Trung Quốc - Nhật Bản được lên kế hoạch diễn ra trong năm nay. Đã có những phỏng đoán hội nghị không diễn ra, còn nếu diễn ra thì Thủ tướng Hwang có thể không đủ tầm và sức nặng như bà Park.
Hội nghị trên được xem là cơ hội để Hàn Quốc bàn với Trung Quốc về những tranh cãi, như kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ mình. Ngoài ra, đây còn là dịp Seoul tìm kiếm sự hợp tác mạnh mẽ hơn từ Bắc Kinh và Tokyo để đối phó với tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong bối cảnh bất ổn chính trị sau cuộc bỏ phiếu luận tội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo ra lệnh quân đội nâng cao cảnh giác trước bất kỳ hành động khiêu khích tiềm tàng nào từ nước láng giềng này.
Bình luận (0)