Thất bại này khiến ông Berlusconi, người từ chức thủ tướng hồi năm 2011 do bê bối tình dục và gian lận thuế, nổi cáu: “Thật tệ khi Tòa án Hiến pháp không có bất cứ thẩm phán nào thuộc phe trung hữu. Tệ, rất tệ”. Đây là tòa án tối cao của Ý và có quyền phán quyết các luật mà quốc hội thông qua có hợp hiến hay không.
Đối ngược với sự mờ nhạt của FI, sức mạnh chính trị của Đảng Phong trào 5 Sao (M5S) không ngừng tăng lên, trở thành nhóm đối lập chính tại nền kinh tế lớn thứ ba khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy FI chỉ nhận được 10% số người ủng hộ, thấp hơn so với mức 28% của M5S và 32% của Đảng Dân chủ (PD) do Thủ tướng Matteo Renzi đứng đầu.
Không chỉ vậy, tài chính của FI đang leo lét như ngọn đèn hết dầu. Trong công bố mới đây, FI thừa nhận phải cho toàn bộ nhân viên (ước tính trên 80 người) nghỉ việc. Biết đảng của mình cạn tiền song ông trùm truyền thông Berlusconi - một trong những người giàu nhất nước Ý - đành bó tay bởi theo một đạo luật thông qua hồi năm 2014, oái oăm là được chính FI hậu thuẫn, các cá nhân không được ủng hộ hơn 100.000 euro cho các đảng phái.
“Dĩ nhiên tôi muốn giúp Forza Italia nhưng không thể. Nếu làm thế, tôi sẽ phạm tội” - cựu thủ tướng lý giải về tình thế “gậy ông đập lưng ông” này.
Khó khăn liên tiếp của riêng FI còn khiến cả cánh trung hữu ở Ý vuột mất thế áp đảo, ngay cả khi chính phủ trung tả của Thủ tướng Renzi đang dính bê bối về việc giải cứu 4 ngân hàng nhỏ trong nước. Chính vì vậy, dù quốc hội Ý sẽ bỏ phiếu tín nhiệm về kế hoạch giải cứu này theo đề nghị của FI song cơ hội thành công không cao.
Bình luận (0)