Theo thông tin ban đầu, có đến 50 - 60 người đàn ông vũ trang đã bắn vỡ các cửa kính, tiến vào hai tòa nhà vào tối 26-2, đuổi các bảo vệ ra ngoài nhưng không hề có xảy ra giao tranh. Tuy nhiên, các công chức bị ngăn cản vào làm việc sáng 27-2.
Hãng thông tấn Interfax (Nga) đưa tin chưa xác định được danh tính của những kẻ chiếm đóng nhưng một phóng viên hãng Reuters đã nhìn thấy cờ Nga bay phấp phới tại hiện trường. Sau đó, báo Vzglyad (Nga) cho hay đó là thành viên của đội tự vệ do lực lượng thân Nga lập nên.
Cảnh sát Ukraine đứng gác trước tòa nhà quốc hội (Tòa nhà Xô Viết tối cao) Crimea
ở Simferopol ngày 27-2. Ảnh: Reuters
Interfax dẫn lời thủ lĩnh cộng đồng người Hồi giáo Tatar bản địa thân Kiev, ông Refat Chubarov, cho biết: “Tôi được thông báo các tòa nhà của quốc hội và Hội đồng Bộ trưởng đã bị chiếm đóng bởi những các tay súng mặc đồng phục nhưng không nhận ra họ thuộc nhóm nào. Những kẻ xâm nhập vẫn im hơi lặng tiếng”.
Quyền Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho biết chính quyền Kiev đã triển khai binh lính và cảnh sát để phong tỏa khu vực quanh 2 tòa nhà bị chiếm đóng.
Tuy nhiên, những thông tin trên chưa thống nhất. Theo Itar-Tass và RIA Novosti, chiếm đóng 2 tòa nhà là các phần tử có vũ trang người Tatar bản địa và các đội tự vệ của lực lượng thân Nga đã đẩy lui và chiếm lại quyền kiểm soát 2 tòa nhà sau đó.
Người Tatar bản địa xung đột với cảnh sát tại Simferopol ngày 26-2. Ảnh: AP
Người Tatar tụ tập ở Simferopol ngày 26-2. Ảnh: Itar-Tass
Trước đó vào ngày 26-2, những người biểu tình thân Nga và cộng đồng người Tatar đã tấn công nhau bằng gạch đá, chai lọ cùng gậy gộc tại Simferopol, buộc lực lượng an ninh phải can thiệp. Hơn 30 người đã bị thương, 1 người thiệt mạng tại hiện trường có thể do đau tim.
Crimea được Nga chuyển giao cho Ukraine vào năm 1954 dưới thời Liên Xô. Hạm đội Biển Đen của Nga đặt căn cứ tại thành phố cảng Sevastopol của Crimea, nơi có 60% dân số là người gốc Nga và chịu ảnh hưởng sâu đậm từ Moscow.
Cũng trong ngày 26-2, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cho biết một cuộc điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể là nguyên nhân khiến cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych thay đổi “thái độ” đối với các cuộc biểu tình ở Kiev.
Ông Sikorski là người tham gia mật thiết trong các cuộc đàm phán về việc ký kết thỏa thuận ngừng bắn giữa cựu Tổng thống Yanukovich và phe đối lập.
“Ông ấy nhiều lần nói chuyện với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Nga Putin. Khi chúng tôi nói rằng: “Nhìn xem, ngài tổng thống, ông phải cho phe đối lập biết rõ thời điểm tổ chức cuộc bầu cử sắp tới như ông đã đồng ý và khi nào thì ông định kết thúc nhiệm kỳ của mình”, tôi cảm giác Yanukovych rất miễn cưỡng. Thái độ của ông ấy chỉ thay đổi sau cuộc trò chuyện với Tổng thống Putin” – ông Sikorski nhớ lại.
Bình luận (0)