Viện Hàn lâm Thụy Điển (SA), tổ chức được Quỹ Nobel ủy nhiệm xét chọn và công bố Giải Nobel Văn học, đang lâm cảnh nội chiến vì một vụ án bê bối tình dục mà thủ phạm là một người ngoại đạo. Đó là cựu nhiếp ảnh gia người Pháp Jean-Claude Arnault, 72 tuổi, chồng nữ viện sĩ kiêm nhà thơ Katarina Frostenson. Hôm 19-9, ông này đã phải ra hầu tòa sơ thẩm Stockholm với tội danh cưỡng dâm.
Khét tiếng hơn 20 năm
Trong bối cảnh phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục "MeToo" bùng nổ cách nay tròn 1 năm tại Mỹ khiến Harvey Weinstein, nhà sản xuất phim đình đám ở Hollywood, bị trục xuất khỏi Viện Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ, vụ bê bối kể trên thu hút mạnh mẽ sự chú ý của dư luận trong và ngoài Thụy Điển.
Jean-Claude Arnault bị truy tố về tội cưỡng dâm 2 lần với một phụ nữ không được tiết lộ danh tính. Vụ việc xảy ra lần đầu vào ngày 5-10-2011 và lần thứ hai lúc rạng sáng 3-12-2011 trong cùng một căn nhà. Phiên tòa này xử kín theo yêu cầu của nguyên đơn nên thông tin chỉ rò rỉ nhỏ giọt. Arnault đã bị bắt tạm giam vì sợ bỏ trốn về Pháp.
Bị cáo Arnault - quấn khăn choàng cổ sọc trắng, đeo kính và mặc complet đen - bị các nhà báo vây kín khi xuất hiện tại tòa nhưng ông ta đã từ chối trả lời mọi câu hỏi. Ông ta chỉ nói "Xin để tôi yên". Bjorn Hurtig, luật sư bào chữa cho bị cáo, nhận định: "Thân chủ tôi là nạn nhân của một cuộc săn lùng phù thủy với mục đích duy nhất là làm nhục. Ông ấy đã bác bỏ mọi cáo buộc".
Trong khi đó, luật sư của nguyên đơn, bà Elisabeth Massi Fritz, nhận định với hãng tin TT (Thụy Điển) rằng đây là một vụ án phức tạp bởi xảy ra cách nay 7 năm. "Thân chủ tôi đã trải nghiệm những tổn thương nghiêm trọng nhưng bà ấy sẽ vượt qua tất cả" - bà Fritz, luật sư hàng đầu ở Thụy Điển chuyên bảo vệ nữ quyền, quả quyết.
Nguyên đơn không xuất hiện tại phiên tòa đầu tiên nhưng 7 nhân chứng đã có mặt trong các phiên tòa sau đó. Sau 3 phiên đầu tiên, đại diện công tố đã đề nghị mức án 3 năm tù giam đối với Arnault. Tòa sẽ tuyên án vào lúc 11 giờ ngày 1-10. Theo luật hình sự Thụy Điển, ông Arnault có thể bị kết án đến 6 năm tù giam.
Đây không phải lần đầu ông Arnault, vô danh ở Pháp nhưng nổi tiếng trong giới văn hóa - nghệ thuật Thụy Điển, bị cáo buộc về hành vi quấy rối và bạo hành tình dục. Tháng 11-2017, nhật báo Thụy Điển Dagens Nyheter tố cáo ông ta quấy rối và xâm phạm tình dục ít nhất 18 phụ nữ từ năm 1996 đến 2007. Tờ báo đã đăng lời khai của những người này nhưng không nêu danh tính. Một số vụ diễn ra trong các căn nhà sang trọng của SA tại Stockholm và phần lớn tại một căn của SA tại Paris - Pháp do ông Arnault quản lý, coi như nhà riêng trên đường Cherche-Midi. Đây chính là bài báo đẩy SA vào thế hoảng loạn.
Cảnh sát từng điều tra những cáo buộc tương tự xảy ra từ năm 2013 đến tháng 4-2015 nhưng không thể khởi tố vì "không đủ chứng cứ". Dagens Nyheter cho biết ông Arnault khét tiếng về khoản này hơn 20 năm nay. Đáng chú ý, vợ ông ta luôn bênh vực chồng.
Ông Jean-Claude Arnault trình diện tại tòa hôm 19-9. Ảnh: TT
Tan đàn xẻ nghé
Đối với các viện sĩ SA, đây là một vết nhơ khó rửa, không thể chấp nhận. Trong mắt họ - 18 vị thuộc tầng lớp tinh hoa của đất nước được bầu làm viện sĩ suốt đời - trên thế giới, không có cơ quan văn hóa nào quan trọng hơn SA.
Cuộc sống quý tộc của họ bỗng dưng bị xáo trộn hoàn toàn. Còn đâu cuộc họp vào thứ năm hằng tuần có bữa tối thịnh soạn tại nhà hàng thuộc sở hữu của SA tọa lạc ngay trung tâm khu phố cổ nhất Stockholm? Còn đâu buổi lễ lấp lánh hào quang và nghi thức trang trọng được tổ chức hằng năm mà đỉnh điểm là vị thư ký thường trực SA trịnh trọng trao Giải Nobel Văn học trong tiếng vỗ tay tán thưởng của khách mời tại chỗ và hàng triệu khán giả truyền hình khắp 5 châu?...
Thành lập năm 1786 theo chỉ dụ của Quốc vương Gustav III, SA hiện chia ra 2 phe kình chống nhau - không chỉ vì vụ bê bối cá nhân của ông Arnault. Vợ chồng ông ta còn bị cáo buộc tham ô tiền của SA hỗ trợ trung tâm văn hóa Forum do viện sáng lập năm 1989.
Ngoài chuyện Quỹ Nobel quyết định cắt liên lạc và tiền bạc với SA, tháng 4 vừa qua, 3 viện sĩ còn từ chối tham gia các buổi họp của viện (thực tế là từ chức) để phản đối cách xử lý không phù hợp vụ xì-căng-đan tình dục của ông Arnault. Hai cựu thư ký thường trực của SA là Sture Allen và Horace Engdahl chỉ trích thư ký thường trực, bà Sara Danius, là "một nhà lãnh đạo bạc nhược".
Ngày 10-4, đến lượt bà Danius bị buộc nghỉ việc. Trong khi đó, vợ ông Arnault, bà Frostenson, cũng tự nguyện xin ra khỏi SA. Do trước đây đã có 3 ghế bị bỏ trống (tự ý bỏ việc để bày tỏ quan điểm ủng hộ nhà thơ Anh gốc Ấn Salman Rushdie sau khi Iran tuyên án tử hình ông này), hiện SA chỉ còn 10 vị. Theo nội quy, phải hội đủ 12 thành viên còn hoạt động thì viện mới có thể ra bất cứ quyết định nào - từ việc bổ nhiệm người mới cho đến chuyện chọn người trao Giải Nobel Văn học.
Để tháo gỡ bế tắc, ngày 2-5, Quốc vương Thụy Điển đã sửa đổi nội quy, cho phép viện sĩ SA từ chức (hoặc buộc) nếu không sinh hoạt hơn 2 năm. Hai ngày sau, SA tuyên bố hoãn cuộc bình chọn Giải Nobel Văn học 2018 sang năm 2019 sau khi bầu chọn ít nhất thêm 2 viện sĩ nữa.
Lương bổng hậu hĩ
SA - một trong 8 viện hàn lâm Hoàng gia Thụy Điển - là một tổ chức độc lập quy tụ các nhà văn, nhà thơ và học giả được coi là tài giỏi nhất nước. Các thành viên được bầu chọn làm viện sĩ suốt đời. Nhiệm vụ chính của SA là bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Thụy Điển. Tuy nhiên, xem xét và bầu chọn người được trao Giải Nobel Văn học là nhiệm vụ được biết tới nhiều nhất của SA.
Viện sĩ SA hưởng rất nhiều bổng lộc, sống và làm việc trong những ngôi nhà đẹp nhất ở Stockholm. Lương bổng của viện sĩ SA không được tiết lộ nhưng theo điều tra của một tờ báo địa phương, họ được phụ cấp không dưới 50.000 USD/năm. Riêng mức trợ cấp của thư ký thường trực (chức vụ cao nhất) mỗi năm được tăng 13.000 USD.
Kỳ tới: "Viện sĩ" thứ 19
Bình luận (0)