Cơn địa chấn làm rúng động giới văn hóa - nghệ thuật Thụy Điển do cựu nhiếp ảnh gia người Pháp Jean-Claude Arnault, chồng nhà thơ kiêm nữ viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển (SA) Katarina Frostenson, gây ra đã phô bày một số góc khuất của SA.
Quá khứ mờ ám
Đó là nơi mà tính gia trưởng của nam giới được phát huy tối đa và luật im lặng bất thành văn được bảo vệ tới cùng.
Vì vậy, chuyện ông Arnault quấy rối và xâm phạm tình dục nhiều phụ nữ - trong đó có một số nữ viện sĩ, vợ và con gái của không ít viện sĩ - vẫn không bị phanh phui và xử lý, thậm chí còn được bao che dù đã diễn ra mấy chục năm qua và có nhiều người biết.
Vụ án cũng làm sáng tỏ con đường sự nghiệp của Arnault đầy rẫy những chuyện thực hư lẫn lộn nhưng đủ làm nên tên tuổi của ông ta ở Thụy Điển.
Hàng chục ngàn người, đa số là phụ nữ, biểu tình trước trụ sở Viện Hàn lâm Thụy Điển yêu cầu tất cả viện sĩ còn lại từ chức vì vụ bê bối tình dục Ảnh: EPA
Theo điều tra của nhật báo Thụy Điển Svenska Dagbladet, Jean-Claude Arnault chào đời năm 1946 tại TP Marseille, miền Nam nước Pháp, trong một gia đình người Nga nhập cư. Vào cuối thập niên 1960, Arnault đến Stockholm để học nhiếp ảnh. Ngay lúc đó, ông ta đã dựng nên một hình ảnh vừa lãng mạn vừa oai hùng.
Năm 2006, trả lời phỏng vấn tờ Dagens Nyheter, Arnault tái khẳng định ông ta từng hòa mình trong dòng chảy sinh viên nổi loạn năm 1968 tại Paris biểu tình phản đối "ban lãnh đạo đại học phản động". Theo ông ta, một trong những lý do khiến sinh viên xuống đường là "cấm nam sinh viên chia sẻ phòng với nữ sinh viên". Với mái tóc màu hung dài cột thành đuôi ngựa và chiếc áo da vắt hờ hững trên vai, gã thanh niên người Pháp trông rất phong độ khiến nhiều người tin sái cổ.
Nhật báo Pháp Le Monde dẫn nguồn tin thân cận gia đình Arnault kể chi tiết hơn: Ông ta là một đứa con ngoài giá thú, sinh ngày 15-8-1946. Arnault được một bà vú nuôi chăm sóc trước khi cha ruột là ông George Pinstein chuyên bán củi và mẹ kế đem về nuôi. Thời trẻ, Jean-Claude không hề gặp mẹ ruột - đang sống với chồng khác - người mà ông ta thừa hưởng họ Arnault.
Họ này hoàn toàn không liên quan đến Bernard Arnault, ông chủ Tập đoàn Moet Hennessy Louis Vuitton (thường gọi là LVMH) trứ danh chuyên sản xuất các mặt hàng xa xỉ của Pháp như tin đồn thổi ở Stockholm. Thông tin ông ta xuất thân từ một gia đình giàu có, từng học ENS (đại học sư phạm) danh giá của Pháp loan truyền trước đây, theo Le Monde, cũng giả nốt.
Trước khi đi nghĩa vụ quân sự năm 17 tuổi, Arnault học nghề thợ điện. Việc ông ta đến Stockholm năm 1969 có nhiều chi tiết khác nhau. Theo nguồn tin từ gia đình, lần cuối cùng được cha bảo đi giao hàng cho khách ở miền Bắc nước Pháp, ông ta một đi không trở về nhà. Nguồn tin khác nói Arnault đến Stockholm để học nghề chụp hình ở trường nhiếp ảnh Christer Strömholm trên phố Södermalm vào mùa thu 1969.
Hiện giờ, Arnault vẫn tự giới thiệu là nhiếp ảnh gia một cách hãnh diện. Anders Petersen, cựu học sinh của trường, nhớ lại: "Cậu ấy rất dễ mến và dễ gần". Tuy nhiên, Peterson thừa nhận "chưa bao giờ được chiêm ngưỡng tác phẩm của Arnault". Thật vậy, ông Arnault chưa bao giờ tổ chức triển lãm ảnh. Người ta chỉ thấy ảnh của ông ta dùng để minh họa trong 3 tập thơ của vợ. Tóm lại, theo Le Monde, cuộc đời của ông Arnault đã được tiểu thuyết hóa hoàn toàn.
Hung thần tình dục
Đến Stockholm, Arnault bắt đầu giao du với những người theo chủ nghĩa vô chính phủ. Ông ta la cà ở Viện Kịch nghệ Stockholm - một địa chỉ nổi tiếng. Sau đó, Arnault tập tễnh bước vào nghề đạo diễn các vở kịch opera nghiệp dư nhưng không được bao lâu thì bỏ. Cái tính tự tôn, khoác lác và cáu kỉnh của Arnault khiến các đồng nghiệp xa lánh.
Tuy vậy, những câu chuyện thêu dệt xung quanh đời tư của Arnault đã khiến không ít người rơi vào bẫy. Một nữ văn sĩ Thụy Điển nói với Le Monde: "Người ta từng giới thiệu với tôi rằng ông ấy là giám đốc một nhà hát opera ở Pháp. Tôi luôn luôn nghĩ rằng ông ấy từng đạo diễn những vở kịch hoành tráng ở Paris".
Cưới được vợ là nhà thơ đồng thời là viện sĩ SA, danh tiếng của Jean-Claude Armault càng được biết đến rộng rãi. Đồng thời, tật dâm đãng của ông ta cũng khét tiếng không kém. Bà Mathilda Gustavsson, tác giả bài báo tố cáo Arnault, đã kể lại nhiều câu chuyện kinh tởm về ông ta trên Tạp chí Marie Claire: "Từ đầu thập niên 1970, ông ta nổi tiếng sở hữu 2 bàn tay hay sờ mó phụ nữ". Đài truyền hình France TV Info dẫn lời một trong những người đứng đơn tố cáo Arnault cũng bức xúc: "Mọi người đều biết và đều nghe chuyện ông ta thường tấn công tình dục phụ nữ".
Ngày 5-4-1997, tuần báo Expressen từng đăng một bài mang tựa đề "Hung thần tình dục trong giới tinh hoa văn hóa", mô tả những chiêu trò nhơ bẩn của ông Arnault đối với phụ nữ tại Trung tâm Văn hóa Forum, nơi ông ta đảm nhận chức vụ giám đốc nghệ thuật. Bài báo dựa theo câu chuyện có thật của một nữ nghệ sĩ trẻ làm việc ở Forum.
Cô này đã viết thư tố cáo "ông giám đốc" tấn công tình dục mình nhiều lần ngay tại nơi làm việc. Lá thư gửi đến SA, ban lãnh đạo văn hóa TP Stockholm và hội đồng địa phương - những cơ quan hỗ trợ tài chính cho Forum. Thế nhưng, không cơ quan nào hồi âm lá thư này.
Bài báo đăng trên tờ Expressen cũng rơi vào quên lãng vì chẳng có cơ quan chức năng nào vào cuộc. Arnault có vị thế quá lớn để có thể bị đánh đổ. Ông ta hầu như trở thành người "bất khả xâm phạm" sau khi được Bộ trưởng Văn hóa tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh Hoàng gia Thụy Điển năm 2015. Đây là phần thưởng dành riêng cho các thành viên Hoàng gia Thụy Điển và những người nước ngoài có công với nước này.
Niềm tin rơi xuống tận đáy
Bình luận về tác hại của vụ bê bối nêu trên đối với SA, nhà báo Bjorn Wiman, Trưởng Ban Văn hóa tờ Dagens Nyheter, nhìn nhận: "Đây là một bi kịch tồi tệ cho nền văn hóa Thụy Điển. Niềm tin của công chúng đối với SA đã xuống tới tận đáy. Xưa nay, người ta tin rằng đây là một tổ chức hiệu quả, mọi quyết định đưa ra đều vững chắc nhưng giờ thì với vụ bê bối này, không thể nói như vậy nữa".
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 28-9
Kỳ tới: Lời khai của nạn nhân
Bình luận (0)