Hội nghị quốc tế về Syria diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ) hôm 30-6 đã đạt thỏa thuận về việc thành lập chính phủ thống nhất quốc gia để chấm dứt xung đột ở nước này. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, các nước tham dự hội nghị vẫn còn bất đồng về vai trò của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong tiến trình chuyển tiếp này.
Ngoại trưởng Mỹ, Anh và Nga (hàng đầu, từ trái sang) tại Hội nghị quốc tế về Syria hôm 30-6. Ảnh: AP
Phát biểu sau hội nghị, ông Kofi Annan, đặc phái viên chung của Liên Hiệp Quốc và Liên đoàn Ả Rập về Syria, cho biết chính phủ chuyển tiếp “có thể bao gồm các thành viên chính phủ hiện nay cũng như lực lượng đối lập và các nhóm khác, sẽ được thành lập trên cơ sở đồng thuận chung”.
Chính phủ chuyển tiếp sẽ không bao gồm những người mà sự tham gia của họ sẽ gây hại cho quá trình chuyển tiếp, sự ổn định và hòa giải. Đây được xem là một thắng lợi cho Nga do nội dung này được cho là nhằm loại bỏ Tổng thống Assad khỏi chính phủ chuyển tiếp.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết Moscow hài lòng về kết quả hội nghị vì thỏa thuận không nhằm áp đặt một tiến trình lên Syria, cũng như không ngụ ý rằng ông Assad nên từ chức. Trái lại, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng thỏa thuận đã phát đi thông điệp rõ ràng rằng ông Assad phải ra đi.
Bà Clinton nói: “Ông Assad vẫn sẽ phải ra đi. Những gì chúng ta làm ở đây là loại bỏ ảo tưởng rằng ông ta và những người có bàn tay nhuốm máu có thể nắm giữ quyền lực”. Riêng ông Annan cho biết tương lai của Tổng thống Assad “sẽ phụ thuộc vào chính người dân Syria”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh William Hague phàn nàn về việc không có thỏa thuận nào đạt được về những vấn đề quan tâm, như việc bán vũ khí cho Syria và các biện pháp tương lai tại Hội đồng Bảo an. Bên cạnh đó, một số nhà phân tích hoài nghi về khả năng chính phủ của ông Assad chấp nhận kế hoạch chuyển tiếp chính trị.
Hội nghị nói trên có sự tham dự của ngoại trưởng 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Kuwait và Qatar. Iran - một đồng minh thân cận của Syria - đã không được mời. Ngoài ra, không một đại diện nào của chính phủ và phe đối lập ở Syria dự hội nghị.
Bạo lực dâng cao, gần 400 người thương vong
Các nhà hoạt động và nhóm nhân quyền cho biết ít nhất 85 người thiệt mạng và hơn 300 người bị thương trong vụ đánh bom ô tô nhằm vào một đám tang tại thị trấn Zamalka hôm 30-6. Con số thương vong có thể còn tăng do hầu hết người bị thương đang trong tình trạng nguy kịch. Theo đài CNN (Mỹ), chưa ai lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công nhưng phe đối lập cáo buộc chính phủ đứng đằng sau vụ đánh bom này.
Số nạn nhân nói trên thuộc số 174 người thiệt mạng trong các vụ bạo lực khắp Syria hôm 30-6. Dù vậy, những thông tin này không thể được kiểm chứng độc lập vì giới truyền thông không được phép tiếp cận những vùng đang có xung đột. |
Bình luận (0)