Bầu trời trên đầu cô Shayara Bano, 35 tuổi, như sụp đổ vào tháng 10 năm ngoái khi người mẹ hai con này nhận được lá thư ly hôn từ người chồng khi cô đang ở nhà cha mẹ tại bang Uttarakhand để trị bệnh.
Đòi công bằng
Sau đó, cô Bano đã cố liên lạc với người chồng 15 năm chung sống tại TP Allahabad nhưng bất thành. Đến tháng 2-2016, Shayara Bano quyết định nộp đơn kiến nghị Tòa án Tối cao cấm kiểu ly hôn chớp nhoáng để đòi công bằng. Vụ việc này một lần nữa nêu bật chuyện Ấn Độ có lẽ là nước duy nhất trên thế giới cho phép một người đàn ông Hồi giáo có thể ly hôn vợ chỉ trong vòng vài phút bằng cách thốt ra từ talaq (ly hôn) 3 lần.
Tuy nhiên, theo các học giả Hồi giáo, kinh Koran nêu rõ quá trình ly hôn kéo dài hơn 3 tháng để các cặp vợ chồng có thời gian suy nghĩ và hòa giải.
Hồi tháng 11 năm ngoái, Phong trào phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ (BMMA) công bố báo cáo liệt kê gần 100 trường hợp ly hôn kiểu này. Trong đa số trường hợp BMMA ghi nhận, phụ nữ bị ly hôn xuất thân từ những gia đình nghèo khó và không được chồng cũ thực hiện nghĩa vụ chu cấp nên họ thường về nhà cha mẹ hoặc tự nuôi sống bản thân.
“Kể từ năm 2007, chúng tôi ghi nhận hàng ngàn trường hợp ly hôn bằng cách nói 3 từ talaq đã đẩy nhiều phụ nữ vào cảnh không nơi nương tựa” - giáo sư Zakia Soman, nhà hoạt động xã hội kiêm nhà sáng lập BMMA, cho biết.
Vấn đề bị thổi phồng?
Nhiều năm qua, phụ nữ Hồi giáo ở Ấn Độ đã kêu gọi chính quyền cấm cách thức ly hôn tức thì này nhưng không thành. Đặc biệt là từ khi công nghệ bùng nổ, đàn ông càng dễ bỏ vợ hơn bao giờ hết thông qua tin nhắn điện thoại, ứng dụng tin nhắn (Skype, WhatsApp…) hoặc mạng xã hội Facebook. Vào tháng 10 năm ngoái, BMMA đã viết thư gửi Thủ tướng Narendra Modi kêu gọi cải cách luật ly hôn Hồi giáo và đa thê. Tổ chức này cũng nộp đơn kiến nghị lên Tòa án Tối cao.
“Ấn Độ là quốc gia duy nhất trên thế giới tồn tại hủ tục không có trong kinh Koran. Điều đó thật man rợ và hoàn toàn không thể chấp nhận được. Cần có cuộc đánh giá toàn diện về luật Hồi giáo tại Ấn Độ” - giáo sư Soman nói với đài BBC.
Cũng theo bà Soman, mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi kiểu ly hôn “talaq 3 lần” lại được các giáo sĩ Hồi giáo ủng hộ. Đó có lẽ là lý do một số nhóm Hồi giáo phản ứng việc Tòa án Tối cao chấp nhận đơn kiến nghị của cô Shayara Bano. Bà Asma Zehra, thành viên Hội đồng Luật Hồi giáo Cá nhân toàn Ấn Độ (AIMPLB), dù lên án kiểu ly dị cấp tốc nói trên nhưng nhấn mạnh tỉ lệ ly hôn của người Hồi giáo Ấn Độ ở mức rất thấp và “kẻ thù” của Hồi giáo đang thổi phồng chuyện này.
Lấy chồng cũng... khó sống
Hơn 20.000 phụ nữ kết hôn ở Ấn Độ tự tử vào năm 2014, chiếm 47% trường hợp tự tử của phụ nữ nói chung. Ông Peter Mayer, giảng viên chính trị tại Trường ĐH Adelaide và là chuyên gia nghiên cứu về nạn tự tử tại Ấn Độ, cho biết số vụ phụ nữ tự tử xảy ra nhiều nhất trong giai đoạn 10-20 năm đầu của cuộc hôn nhân (tức nạn nhân thường trong độ tuổi 30-45). Theo chuyên gia này, các yếu tố như trình độ học vấn, mức độ tiếp xúc truyền thông và sống trong gia đình ít thế hệ có liên quan đến tỉ lệ tự tử ở phụ nữ kết hôn.
Mâu thuẫn giữa nàng dâu và gia đình chồng cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ tự tử. Bác sĩ Vikram Patel, một nhà tâm thần học hàng đầu tại Ấn Độ, nhận định với đài BBC rằng tình trạng hôn nhân sắp đặt, sự thất vọng về mối quan hệ vợ chồng cộng thêm sự thiếu nhân viên tư vấn và trang thiết bị y tế cho các bệnh nhân trầm cảm cũng góp phần dẫn đến những bi kịch đau lòng.
Bình luận (0)