Vị “khai quốc công thần” của Singapore sinh thời là một chính khách nổi tiếng, có công đưa thành phố cảng chưa có dấu ấn trên bản đồ thế giới này phát triển thành một cường quốc tài chính toàn cầu. Trong bề dày hoạt động của mình, ông để lại nhiều phát ngôn khiến cả thế giới suy ngẫm.
1. Chia cắt khỏi Malaysia
Ngày 9-8-1965, Malaysia bỏ phiếu "trục xuất" Singapore khỏi liên bang.
Tại cuộc họp báo sau đó cùng ngày, ông Lý Quang Diệu nói: "Đó là khoảnh khắc đau đớn... bởi cả cuộc đời mình, tôi tin rằng 2 lãnh thổ này là một thực thể thống nhất, kết nối nhau bằng địa lý, kinh tế và các mối quan hệ giống như ruột thịt. Các vị không phiền nếu chúng ta tạm dừng một chút" (tạm dừng để ông Lý lấy lại bình tĩnh).
(...) Không có gì phải lo lắng. Mọi thứ sẽ tiếp diễn như bình thường. Hãy kiên định và bình tĩnh. Chúng ta sẽ có một quốc gia đa chủng tộc ở Singapore. Tất cả người dân sẽ có chỗ đứng: được đối xử bình đẳng, có ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo của mình".
2. Tự do báo chí
Tại Hội nghị Báo chí Quốc tế tại Helsinki - Phần Lan diễn ra ngày 9-6-1971, ông Lý nhấn mạnh: "Báo chí có thể giúp mô tả những khó khăn của Singapore một cách đơn giản và rõ ràng, tiếp đó lý giải các chính sách và chương trình của chính phủ có thể giải quyết những khó khăn trên như thế nào. Quan trọng hơn, chúng tôi muốn truyền thông củng cố chứ không phải xói mòn các giá trị văn hóa và thái độ xã hội được khắc sau trong trường học của chúng tôi".
3. Vai trò của nhà nước
Trong bài phát biểu vào ngày Lễ Quốc khánh năm 1986, ông Lý thừa nhận: "Tôi thường bị cáo buộc can thiệp vào cuộc sống riêng tư của nhân dân. Đúng vậy, nhưng nếu tôi không làm việc đó, chúng ta không thể tồn tại đến hôm nay".
"Và với sự hối hận ít ỏi nhất, tôi khẳng định không thể tồn tại đến giờ, không thể phát triển kinh tế nếu chúng tôi không can thiệp vào mọi vấn đề cá nhân - từ hàng xóm của các bạn là ai, bạn sống như thế nào, được làm ồn đến đâu, khạc nhổ ra làm sao hay sử dụng ngôn ngữ gì. Chúng tôi quyết định điều gì là đúng".
4. Phương Tây
Trả lời tạp chí Foreign Policy, số ra tháng 3-4 năm 1994, ông nhấn mạnh: "Tôi nói thẳng rằng nếu không có những quan điểm tốt của phương Tây dẫn đường, chúng tôi không thể thoát khỏi sự lạc hậu. Chúng tôi sẽ vẫn chìm trong nền kinh tế lạc hậu và một xã hội trì trệ. Nhưng chúng tôi không cần mọi thứ của phương Tây".
Ông dẫn một ví dụ cụ thể ở Mỹ để chứng minh vấn đề này. Người Mỹ vốn đau đầu trước vấn nạn ma túy tràn lan. Washington chọn cách “đi vòng quanh thế giới giúp các cơ quan phòng chống ma túy khác ngăn chặn các trùm buôn lậu". "Singapore không chọn cách đó. Chúng tôi thông qua đạo luật cho phép mọi nhân viên hải quan hoặc cảnh sát kiểm tra nước tiểu của bất kỳ ai có hành vi đáng ngờ ở Singapore. Nếu mẫu thử có chứa ma túy, người này phải đi cai nghiện tức thì. Ở Mỹ, bạn làm điều này là xâm phạm quyền cá nhân và sẽ bị kiện”.
5. Hình mẫu Singapore
Trong cuộc phỏng vấn với báo New York Times (Mỹ) ngày 29-8-2007, ông Lý bộc lộ quan điểm sắc sảo của mình về đường lối phát triển của đất nước.
“Chúng tôi biết rằng nếu chúng tôi giống những người hàng xóm, chúng tôi sẽ tàn lụi, bởi vì chúng tôi chẳng có gì để mời gọi so với họ. Vì vậy, chúng tôi phải nghĩ ra cái gì đó khác biệt mà họ không có. Đó là liêm khiết. Đó là hiệu quả. Đó là nhân tài. Và hướng đi này hiệu quả. Chúng tôi rất thực dụng. Cứ thử, nếu được thì tiếp tục, không được thì vứt qua một bên và thử thứ khác. Chúng tôi không theo đuổi bất cứ học thuyết nào".
6. Di sản
Trong cuộc phỏng vấn với New York Times ngày 13-9-2010, ông Lý nói: "Phán quyết cuối cùng không nằm trong cáo phó. Phán quyết cuối cùng sẽ được tuyên khi giới nghiên cứu đào bới trong đống tài liệu lưu trữ, đọc lại những ghi chép cũ của tôi, nghiền ngẫm những gì kẻ thù của tôi từng nói và lọc ra bằng chứng, đi tìm sự thật".
“Tôi không nói rằng tất cả mọi thứ tôi làm là đúng nhưng tất cả mọi thứ đều dành cho một mục đích cao quý" - ông đúc kết.
Bình luận (0)