Trước đó, Thủ tướng David Cameron tuyên bố ông sẽ không kích hoạt điều 50 của Hiệp ước Lisbon - quy định mô tả tiến trình rút lui của một nước khỏi Liên minh châu Âu (EU). Bằng cách “nhường” lại nhiệm vụ này, theo báo Guardian, ông Cameron đã trao cho người kế nhiệm một “ly thuốc độc”.
Với một loạt phản ứng kịch liệt dành cho Brexit - từ biến động trên thị trường chứng khoán thế giới đến chính trường khắp châu Âu, ai dám “bóp cò”? Hệ quả là ông Cameroon đẩy được phe Brexit vào tình thế khó khăn: Thắng trưng cầu dân ý nhưng có thể không dám tiến tiếp vì sợ bị quy trách nhiệm nếu chẳng may nước Anh rơi vào suy thoái hay “tan đàn xẻ nghé”.
Thủ tướng Anh David Cameron phát biểu trước quốc hội hôm 27-6. Ảnh: AP
Có lẽ nhận ra thế bí này mà ông Boris Johnson, một thủ lĩnh của Brexit và hiện là ứng viên sáng giá thế chỗ ông Cameron, tuyên bố “không việc gì phải vội vã bắt đầu quá trình vốn không thể đảo ngược”. Luật sư David Allen Green nhận định điều 50 càng chậm khởi động thì cơ hội nó không xảy ra càng lớn. Miễn là Anh không gửi đi thông báo chính thức thì không bên nào, dù là ở Brussels, Berlin hay Paris, có thể ép họ làm thế.
Không quy định nào trong điều 50 cho phép EU tiến hành đàm phán trước, dù là không chính thức, với phía Anh. “Sự chậm trễ của Anh là điều không mong muốn về mặt chính trị nhưng không có cách nào đẩy được Anh ra khỏi EU trước” - ông Kenneth Armstrong, giáo sư về luật châu Âu tại Trường ĐH Cambridge (Anh), nhận định với báo Guardian.
Chính vì vậy, bất chấp sự thúc giục đầy nóng nảy và liên tiếp của giới lãnh đạo EU, ông Cameron dường như không có ý định thông báo quyết định ra đi của Anh tại hội nghị thượng đỉnh của khối này vào ngày 28-6. Một quan chức cấp cao EU tiết lộ sẽ không có bất kỳ cuộc đàm phán “ly hôn” nào giữa Anh - EU diễn ra trước dịp Giáng sinh năm nay.
Bình luận (0)