Thủ tướng Đức Angela Merkel đang kêu gọi cuộc họp thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) để giải quyết cuộc khủng hoảng bế tắc này. Trong khi giới lãnh đạo châu Âu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về cách giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II này, hậu quả của cuộc chiến đẩy dòng người di cư tăng cao ở các nước Trung Đông lại đang cướp thêm sinh mạng của nhiều người vô tội.
Thêm một con tàu chìm ở Thổ Nhĩ Kỳ giết chết 22 người tị nạn, trong đó có 4 trẻ em và 11 phụ nữ. Họ mất mạng khi đang tìm đường di cư sang châu Âu – điểm đến của hơn nửa triệu người di cư tìm kiếm thiên đường an bình trong năm qua.
Dòng người di cư bị tắc lại ở biên giới Hungary. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm 15-9 quyết định chặn đứng dòng người di cư qua “con đường Balkans” bằng cách đóng cửa biên giới với Serbia. Ông Orban thông báo sẽ có kế hoạch tương tự với biên giới Romania.
Ngoài ra, tại thủ đô Budapest cũng lần đầu tiên diễn ra những hoạt động bắt giữ theo bộ luật cứng rắn mới, trong đó trừng phạt nặng những đối tượng vượt viên trái phép hoặc phá hoại hàng rào biên giới. Mức án cao nhất có thể lên tới 3 năm tù giam.
“Tại sao họ lại làm như vậy?” – đó là câu hỏi nhức nhối của một phụ nữ Afghanistan ôm con nhỏ, bất lực đứng sau hàng rào phía Serbia. Khoảng 300 người khác cũng đang trong tình trạng tương tự, trong đó một số người tuyệt vọng tìm cách lọt qua hàng rào.
Một người di cư giơ cao tấm biển cầu cứu: “Mama Merkel, hãy giúp chúng tôi”. Một phụ nữ viết lên váy của con dòng chữ: “Biểu tình. Không ăn. Không uống. Hãy mở biên giới”.
Tổ chức Ân xá quốc tế cáo buộc Hungary đang phô diễn “bộ mặt xấu xí của sự phản ứng hoảng loạn từ châu Âu” đối với khủng hoảng di cư.
Cùng ngày 15-9, Bộ trưởng Lao động và Xã hội Serbia, Aleksandar Vulin, cảnh báo cuộc khủng hoảng người di cư tại biên giới Hungary - Serbia sẽ có nguy cơ gia tăng nếu Hungary vẫn đóng cửa biên giới. Hiện có khoảng 1.000 người di cư đang sống chui lủi trong tình trạng thiếu lương thực và nước uống gần biên giới giữa hai nước
Động thái của Hungary khiến quốc gia láng giềng Croatia phải chuẩn bị kế hoạch ứng phó khẩn cấp với dòng người di cư có thể tràn vào lãnh thổ nước này để sang Đức. Báo chí Serbia cho hay nhiều xe buýt đang chuyển hướng sang Croatia khi người di cư tìm đường khác đến Slovenia, Áo và cuối cùng là Đức.
Bình luận (0)