icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mafia Mỹ suy tàn nhưng khó diệt

VĂN ANH

Cosa Nostra vẫn là một thế lực nguy hiểm ở Mỹ dù FBI đã cất vó được một mẻ lớn, tóm 127 tên có số má

Tất cả những tên bị bắt hôm 20-1 đã bị khởi tố về tội giết người, phóng hỏa, tống tiền, buôn bán ma túy và các tội nghiêm trọng khác. Nguồn tin FBI cho biết sở dĩ trong một ngày mà “thu hoạch lớn” như vậy là nhờ có  nhiều tên tội phạm bước qua lời thề Omertà (luật im lặng)  vốn là một quy tắc hàng đầu trong nội quy của các băng đảng tội phạm Mỹ gốc Ý (Cosa Nostra).
 
Điều đó đã giúp FBI thu âm được hàng ngàn cuộc điện đàm hoặc đối thoại nội bộ của các băng đảng trong quá trình điều tra ở thành phố New York, các bang New Jersey, Rhode Island và Florida.
 
Bộ trưởng Tư pháp phấn khích
 
James Dubro, một cây bút điều tra các băng đảng mafia hàng chục năm qua, nhận định rằng sự hợp tác của các thành viên mafia là chìa khóa của thành công lớn nhất từ trước tới nay. Những kẻ xuất thân từ thế giới ngầm này có hiểu biết sâu rộng về các hoạt động tội ác của mafia và rất hữu ích trong việc lập cáo trạng buộc tội các nghi phạm.
 
Điểm son của lực lượng đặc nhiệm – bao gồm đặc vụ FBI, nhân viên Cơ quan Chống ma túy (DEA) và cảnh sát địa phương – tham gia chiến dịch bố ráp lớn 7 băng đảng mafia Mỹ kể trên là tóm được toàn ban lãnh đạo băng đảng Colombo, trong đó có “ông trùm” Andrew Russo.
 
Ngoài ra, Joseph Corrozo, cố vấn cao cấp của băng Gambino và Bartolomeo Vernace, một trong những “trọng tài nội bộ” chuyên xử lý các vụ xung đột lợi ích bên trong Cosa Nostra, cũng sa lưới trong đợt này.

img

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder. Ảnh: AP
 

Tầm vóc cuộc bắt bớ nói trên, theo nhật báo The Christian Science Monitor, là một bất ngờ đối với nhiều người. Trong niềm phấn khích lớn, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Eric Holder hồ hởi tuyên bố trong cuộc họp báo ở New York: “Mẻ lưới hôm nay và việc khởi tố bị can đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc phá vỡ các hoạt động bất hợp pháp của Cosa Nostra”.
 
Ông Eric Holder nhấn mạnh rằng đó cũng là một bước tiến đến gần hơn mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ tội phạm có tổ chức. Ông nói: “Thời gian bao lâu tôi không rõ nhưng chắc chắn là chúng tôi sẽ đạt tới mục đích đó”.
 
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia về Cosa Nostra không tin những điều ông Holder vừa tuyên bố.
 
Hoài nghi
 
Michael Woodiwiss, giáo sư thỉnh giảng Trường Đại học West of England, nhận định trên kênh truyền hình Anh Channel 4 News rằng không thể phủ nhận cuộc bố ráp ngày 20-1 là một thắng lợi lớn của FBI nhưng nó sẽ không kéo giảm tội phạm trong thành phố New York.
 
Giáo sư Woodiwiss giải thích: “Tôi nghi ngờ chuyện đó bởi vì trong 20 năm qua, FBI đã nhiều lần tuyên bố rằng họ đã triệt hạ được nhiều tổ chức tội phạm ở New York nhưng thực tế lại không phải như thế”. 
 
img
Joseph Massino (bên trái), thủ lĩnh băng Bonanno,  bị bắt năm 2004
sau khi bị phó tướng Salvatore Vitale (bên phải) “trở cờ” chỉ điểm 
 
Ý kiến của giáo sư Woodiwiss đã được một chuyên gia về mafia là tiến sĩ Georgios A. Antonopoulos thuộc Trường Đại học Teeside chia sẻ: “Tôi ngờ rằng cấu trúc tổ chức của các băng đảng tội phạm  kiểu mafia thời nay không giống như ngày xưa. Ở New York - Mỹ, châu Âu hay bất cứ chỗ nào khác, các “ông trùm” đứng đằng sau các băng đảng  là những “diễn viên hợp pháp” như chính khách và doanh nhân. Chừng nào chưa bắt được những người này thì chẳng có nghĩa lý gì”.
 
Luôn có người thay thế
 
Len Lewitt, cựu phóng viên theo dõi ngành cảnh sát Mỹ, tác giả nhiều bài báo nặng ký về Cosa Nostra, nhận xét rằng trong số những tên bị bắt không có ai nổi tiếng ngoài giới giang hồ  như Carlo Gambino hay John Cotti. Điều này có nghĩa là sau các đợt bắt bớ thủ lĩnh các băng đảng, lập tức “có một lớp thủ lĩnh khác lên thay thế ngay”.
 
Ông Edward A. McDonald, cựu công tố viên thuộc lực lượng chống tội phạm có tổ chức ở New York, đồng ý với nhận định trên của nhà báo Lewitt.
 
Ông cho biết thêm không chỉ ở cấp lãnh đạo, cấp lính quèn của các băng đảng cũng vậy, mất người này thì có ngay người khác thay thế bởi vì một bộ phận thanh niên Mỹ bị cái vẻ hào nhoáng của các băng đảng - được thể hiện rất đạt trong phim ảnh như “Godfather” hay “Goodfellas” - thu hút mạnh. Các “ông trùm” trong phim hào hoa phong nhã, có học thức hơn các ông trùm ngoài đời cho nên có sức quyến rũ riêng.
 
Salwyn Rabb, một cây bút điều tra tội phạm của tờ The New York Times nay đã về hưu, viết sách cho rằng chất lượng bộ máy tổ chức của các băng đảng Cosa Nostra rất tốt cho nên chúng có sức sống “dai như đỉa”.
 
Ông giải thích: “Luôn luôn có người thay thế một vị trí nào đó trong tổ chức. Đối với họ, mỗi vụ bắt bớ là một cơ hội để họ tiến thân”.
 
Nói cho công bằng, những vụ bắt bớ ồ ạt cũng có tác động đối với các băng đảng tội phạm. Một số hoạt động truyền thống trên đường phố như tống tiền hay cho vay nặng lãi có dấu hiệu giảm sút sau các đợt bắt bớ. Quy mô các tổ chức tội phạm kiểu mafia ngày càng giảm, không còn sức lộng hành như cách đây mấy mươi năm.
 
Chất lượng các “ông trùm” ở New York giờ đây cũng không cao, không có bản lĩnh như các ông trùm ngày xưa. Đó cũng là nguyên nhân dẫn tới hiện tượng các thành viên phá vỡ quy tắc Omertà hàng loạt, theo phân tích của giáo sư Michael Woodiwiss.
 
Nói chung, các băng đảng mafia Mỹ đang ở trong giai đoạn suy tàn nhưng không dễ bị tiêu diệt.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo