Trong khi đó, các loại vắc-xin và thuốc giúp chúng ta chống lại vi khuẩn, ký sinh trùng và virus có hại. Nhiều chuyên gia cho rằng giờ đã đến lúc để xem chuyện già đi - điều mà chúng ta chưa bao giờ thoát được - là một loại bệnh và cũng có thể ngăn ngừa, chữa trị.
Khi già đi, tế bào của con người ngừng làm việc và có thể "hỏng hóc", dẫn đến các căn bệnh ung thư, tim, viêm khớp và Alzheimer’s. Tính tổng cộng, những căn bệnh liên quan đến tuổi tác làm chết khoảng 100.000 người/ngày. Hy vọng làm chậm lại, thậm chí ngừng hẳn, quá trình già hóa mà nhiều trung tâm nghiên cứu trên thế giới đang theo đuổi được dựa theo những phát hiện gần đây trên động vật.
Loại thuốc trị bệnh tiểu đường phổ biến, metformin, có thể kéo dài sự sống của các loài gặm nhấm. Trở về đầu những năm 1990, bà Cynthia Kenyon, nay là phó chủ tịch về nghiên cứu lão hóa của Công ty Calico Labs (Mỹ), chứng minh được rằng có thể tăng thời gian sống của giun đũa từ 3 tuần lên thành 6 tuần chỉ bằng cách thay đổi một chút mã di truyền.
Người lớn tuổi tại công viên ở tỉnh Quảng Châu - Trung Quốc Ảnh: TÂN HOA XÃ
Ông Aubrey De Grey, một trong những nhân vật đi đầu trong lĩnh vực tuổi thọ con người, cho rằng con người cũng có thể giống như vậy. Ông và nhóm của mình ở Hiệp hội Nghiên cứu lão hóa (ở bang California - Mỹ) đang phát triển một nhóm liệu pháp giúp người trung niên và người già có lại được mức độ thể chất và tinh thần tương đương người dưới 30 tuổi. "Chúng tôi có thể cung cấp mô với một lượng tế bào mới để thay thế các tế bào chết đi trong quá trình lão hóa" - ông De Grey nói.
Dù không tin vào khả năng chặn đứng hoàn toàn lão hóa song theo ông, nhóm liệu pháp trên có thể giúp bệnh nhân sống thêm khoảng 30 năm. Thậm chí, theo đài BBC, ông dự báo các công nghệ tương lai có thể đưa các tế bào của người già quay lại thời "sung sức", tức là người 60 tuổi được "cải lão" lần đầu về độ tuổi 30 và đến khi tế bào của họ 60 tuổi (lần hai) thì lại được "cài số lùi" thêm 30 năm nữa.
Một giải pháp cải thiện tuổi thọ khác hay được nói đến là "liệu pháp ma cà rồng". Trong một thử nghiệm công bố hồi tháng 11-2017 của Trường Y khoa thuộc ĐH Standford, các bệnh nhân mất trí có biểu hiện cải thiện sau khi được truyền huyết thanh từ những người hiến tặng ở độ tuổi 18-30. Tương tự, người bệnh Alzheimer’s cũng khôi phục khả năng tự tắm rửa, thay quần áo và làm một số việc nhà.
Tuy thử nghiệm vẫn đang tiếp diễn song một doanh nghiệp khởi nghiệp Mỹ tên Ambrosia đã nhanh chân chào mời khách hàng lớn tuổi tiếp nhận máu từ người hiến tặng 16-25 tuổi với giá 8.000 USD/lần điều trị.
Tuy nhiên, chưa có chứng cứ nào cho thấy cơ thể của chúng ta sẽ chấp nhận kiểu "nâng cấp phần mềm" như thế. Cũng như máy tính, "cập nhật" quá nhiều có thể khiến cơ thể người ngừng hoạt động. Cứ cho là con người sẽ thực sự kéo dài cuộc sống hoặc thậm chí bất tử, tin vui này sẽ kéo theo nhiều khó khăn về mặt xã hội - đáng lo nhất là dân số bùng nổ khiến trái đất không thể "cõng" nổi.
Bình luận (0)