Các chuyên gia cho rằng Hãng hàng không đang thua lỗ Malaysia Airlines (MAS) cần được tư hữu hóa để “lột xác”. Khazanah Nasional - quỹ đầu tư của Malaysia, cổ đông chính nắm giữ 69,4% cổ phần MAS - đang xem xét việc thâu tóm toàn bộ phần góp vốn còn lại ở công ty này và có thể thông báo kế hoạch thay đổi vào đầu tháng 8 tới.
Một nhà phân tích tại Ngân hàng Đầu tư Maybank cho rằng thời điểm này thật lý tưởng để thực hiện điều đó trong khi giá cổ phiếu của MAS đang ở mức thấp.
Sự lựa chọn duy nhất
Nhà phân tích trên nhấn mạnh việc giải thể MAS là cách thực hiện các biện pháp tái cấu trúc quyết liệt vốn đã bị các nghiệp đoàn hùng mạnh của công ty này phản đối. Ước tính sẽ phải tốn 1,18 tỉ ringgit (tương đương 364 triệu USD) để tư hữu hóa MAS. Lúc đó, Khazanah Nasional có thể “giải phóng” được “một giá trị đáng kể” từ các công ty con có lãi của MAS.
Website Nikkei cho biết thực ra trước đây MAS đã điều nghiên một số kế hoạch để phục hồi hoạt động kinh doanh của mình; kế hoạch đáng chú ý nhất là trao đổi cổ phần với hãng AirAsia năm 2011. Tuy nhiên, tất cả đều thất bại.
Malaysia Airlines cần được tái cấu trúc để phục hồi hoạt động kinh doanh
Ảnh: REUTERS
Mùa hè trước, cựu thủ tướng Mahathir Mohamed từng đề nghị MAS cần được tư hữu hóa để cắt giảm thua lỗ. Ông nhấn mạnh rằng thông qua tư hữu hóa, ban quản trị MAS sẽ phải nghiêm túc trong việc tìm các phương cách để sinh lãi.
Ông nói: “Có những người nghĩ rằng các công ty liên quan đến chính phủ chỉ nhằm mục đích tạo cơ hội việc làm và không kiếm tiền cho công ty hoặc chính phủ. Việc tư hữu hóa MAS có thể làm thay đổi điều đó và hãng sẽ sinh lãi thay vì bị thua lỗ”.
Theo cựu thủ tướng Mahathir Mohamed, hãng sản xuất ô tô Proton sau khi được tư hữu hóa là một tấm gương tốt khi ban quản trị có ý thức hơn về chuyện lỗ - lãi của công ty. Đồng thời, ông quả quyết có người trong nước đủ khả năng quản lý hãng hàng không khi nó được tư hữu hóa thay vì bán cho người nước ngoài.
Tháng 6 vừa qua, Maybank đã lưu ý rằng MAS sẽ cần một nguồn vốn mới để có thể tiếp tục bay. Khi ấy, một số kế hoạch cứu trợ đã được đưa ra, trong đó có thủ tục phá sản hợp pháp, bàn giao công ty cho một nhà hoạt động tài chính giàu có hoặc bán đi các bộ phận thứ yếu.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, Khazanah Nasional xem kế hoạch tư hữu hóa MAS là bước đi đầu tiên trong việc tái cấu trúc hãng hàng không đang thua lỗ.
Ban quản trị MAS sẽ gặp Bộ Giao thông Vận tải Malaysia để bàn kế hoạch phục hồi triệt để hãng hàng không quốc gia. Bộ trưởng Liow Tiong Lai xác nhận MAS đang trải qua khoảng thời gian khó khăn, cần thay đổi nhằm làm cho hoạt động kinh doanh của hãng có thể phát triển. Bộ trưởng Liow chưa tiết lộ chi tiết nhưng theo nhiều nguồn tin, tư hữu hóa là sự lựa chọn duy nhất được đặt lên bàn hội nghị.
Muốn tồn tại phải thay đổi
Tại cuộc họp hằng năm gần đây, Giám đốc điều hành Ahmad Jauhari Yahya tuyên bố MAS cần một cuộc cải tổ triệt để để có thể tồn tại do bị thua lỗ nặng nề, đồng thời ông cho biết hãng có kế hoạch thông báo một gói thay đổi lớn nhưng không tiết lộ chi tiết.
“Chúng tôi biết có nhiều chọn lựa để xem xét nhưng cũng biết rằng không thể tiếp tục hoạt động chỉ với những cải thiện về tiền lời… Sự chọn lựa của MAS tại thời điểm này là thay đổi hoàn toàn” - ông Ahmad Jauhari Yahya thừa nhận.
10 năm qua, Khazanah Nasional đã bơm cho MAS hơn 5 tỉ ringgit nhưng một loạt kế hoạch phục hồi và thay đổi ban lãnh đạo đều không thể khôi phục cơ đồ của MAS. Trước thực trạng kinh doanh bi đát của hãng, Giám đốc điều hành Ahmad Jauhari Yahya từng thốt lên rằng MAS cần thay đổi triệt để để tồn tại.
Hãng tin Reuters cho biết nhà đầu tư Khazanah Nasional đang làm việc với Ngân hàng Đầu tư CIMB về việc tái cấu trúc MAS. Tháng trước, Khazanah Nasional cũng đã xem xét mọi phương án chọn lựa và có ý định công bố kế hoạch trong vòng 6-12 tháng để tái cấu trúc MAS.
Các nhà phân tích nhận định tư hữu hóa MAS có thể giúp Khazanah Nasional tái cấu trúc hãng với sự can thiệp không đáng kể từ phía các cổ đông và nghiệp đoàn hàng không hùng mạnh. Trang tin Bloomberg cho biết trước vụ chuyến bay MH17 rơi ở Ukraine hôm 17-7 khoảng 1 tháng, Khazanah Nasional đã ước tính hãng hàng không không sinh lãi này chỉ có đủ kinh phí kéo dài sự tồn tại khoảng 1 năm.
Nỗ lực tái cấu trúc trước đây đã bị nghiệp đoàn phản đối, làm cản trở nỗ lực giảm chi phí và cải thiện tính cạnh tranh của hãng đối với các hãng giá rẻ tăng trưởng nhanh như AirAsia và Lion Air - hãng hàng không tư nhân lớn nhất Indonesia.
Tuy nhiên, gần đây báo chí địa phương trích dẫn lời một giới chức nghiệp đoàn lao động MAS khẳng định ông sẽ ủng hộ tiến trình tư hữu hóa. Thêm vào đó, một nhà phân tích ở Kuala Lumpur quả quyết: “Việc tư hữu hóa sẽ loại bỏ được áp lực - từ công chúng, các chính khách cho đến các nghiệp đoàn và MAS có thể tập trung vào quá trình “lột xác” của mình”.
Phức tạp chuyện bồi thường
Gia đình các nạn nhân trong vụ máy bay MH17 của MAS rơi trên vùng đất chiến sự ở miền Đông Ukraine nhất định sẽ nhận được tiền bồi thường từ MAS. Theo Công ước Montreal, thỏa thuận hàng không quốc tế có hiệu lực từ năm 2003, hãng này có trách nhiệm bồi thường 174.000 USD cho mỗi sinh mạng hành khách, bất chấp hãng có lỗi hay không.
Các chuyên gia pháp lý hàng không nhấn mạnh đến khía cạnh thảm kịch này dường như là hậu quả của một tội ác hơn là do sự cố hoặc lỗi của phi công nên việc bồi thường cho các mất mát có thể là chuyện phức tạp hơn. Trên lý thuyết, nếu thực sự phe ly khai ở Đông Ukraine có tội, các gia đình nạn nhân có thể kiện chính phủ Nga vốn đã bị Nhà Trắng cáo buộc đã cung cấp vũ khí và nhân lực cho phe ly khai Ukraine. Năm 1988, chính phủ Mỹ đã phải đền bù cho gia đình các nạn nhân sau khi tên lửa đất đối không của quân đội bắn rơi máy bay thương mại của Iran. Tuy nhiên, theo báo The Wall Street Journal, vẫn khó có thể buộc chính phủ Nga chịu trách nhiệm pháp lý cho hành động của quân nổi dậy Ukraine.
Bình luận (0)