Thông tin trên được Đô đốc Greenert đưa ra hồi tuần trước tại một diễn đàn ở Washington nhưng chưa được phía Malaysia xác nhận.
Một nhà ngoại giao cấp cao châu Á cũng tiết lộ thời gian qua, Kuala Lumpur và Washington đã thảo luận về việc cho phép Mỹ sử dụng một căn cứ không quân ở bang Sabah, Đông Bắc Malaysia.
Khi được phỏng vấn, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein cho hay thông tin "máy bay chiến đấu Mỹ" được trao quyền hoạt động ở Đông Malaysia là không đúng. Tuy nhiên, ông không đề cập đến máy bay do thám Mỹ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc chưa trả lời câu hỏi về vấn đề này của The New York Times (Mỹ).
Sau phát biểu của Đô đốc Greenert một ngày, theo báo The New York Tines, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long cảnh báo cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice trong chuyến thăm của bà này tới Bắc Kinh, rằng Washington phải ngừng các chuyến bay giám sát trên biển Đông và dọc theo bờ biển Trung Quốc.
Dù cũng có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc nhưng quan hệ giữa Kuala Lumpur và Bắc Kinh khá tốt. Bằng chứng là tập đoàn năng lượng nhà nước Petronas của Malaysia đang thăm dò dầu khí bên trong “đường chín đoạn” do Trung Quốc tự lập nên nhưng không vấp phải trở ngại nào.
Dù vậy, theo nhà ngoại giao châu Á kể trên, bên dưới mối quan hệ tốt đẹp đó, Malaysia cảm nhận được Trung Quốc ngày một gia tăng sức mạnh quân sự nên đang tiếp cận Mỹ để tìm thế đối trọng.
Ernie Bower, cố vấn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington, cho biết đề nghị của Malaysia diễn ra một phần vì “Trung Quốc làm Malaysia ngạc nhiên bằng hành động đưa tàu hải quân vào vùng biển của họ và đe dọa hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia”.
Theo ông Bower, Malaysia cũng bị áp lực từ Trung Quốc sau vụ máy bay MH370 của hãng Malaysia Airlines mất tích bí ẩn hồi tháng 3 với 153 người Trung Quốc trong số hành khách.
Bình luận (0)