The Star ngày 19-1 cho biết nhiều người ở Malaysia đang tìm kiếm giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 bán trên mạng internet do chủ lao động yêu cầu nghiêm ngặt hoặc cần ra nước ngoài.
Các phòng khám cung cấp giấy tiêm chủng Covid-19 giả xuất hiện trên các nền tảng truyền thông xã hội như Facebook và Telegram. Người mua phải cung cấp tên đầy đủ, số chứng minh nhân dân và số trên ứng dụng MySejahtera (do chính phủ Malaysia phát triển nhằm hỗ trợ nỗ lực truy vết Covid-19).
Khoảng 1-2 tuần sau, người mua sẽ nhận được giấy tiêm chủng Covid-19 mang tên mình. Nếu mua gói 5 hoặc nhiều giấy tiêm chủng hơn sẽ được giảm giá. Trong khi đó, người bán cũng đảm bảo rằng tất cả thông tin liên quan đến giao dịch sẽ được giữ riêng tư.
Một tình nguyện viên sắp xếp giấy tiêm vắc-xin ở Subang Jaya - Malaysia ngày 5-1. Ảnh: Reuters
Một bác sĩ giấu tên tiết lộ với The Star: "Giấy tiêm chủng này hoàn toàn hợp lệ. Chỉ là người mua không được tiêm vắc-xin Covid-19 trên thực tế". Bác sĩ này giải thích các phòng khám được uỷ quyền tiêm vắc-xin Covid-19 cho người dân sẽ có quyền truy cập vào hệ thống quản lý vắc-xin của Malaysia (MyVAS). Ông nói: "Thật dễ dàng để có được giấy chứng nhận đó. Các bác sĩ chỉ cần đăng ký thông tin của bạn trên hệ thống và mọi thứ hoàn tất".
Khi đăng nhập vào hệ thống, người mua vẫn có số lô vắc-xin, phòng khám nơi họ tiêm chủng và thậm chí là tên của bác sĩ phụ trách tiêm chủng. Sau khi cung cấp giấy cho người mua, các bác sĩ nộp lại những lọ vắc-xin rỗng để chứng minh họ đã tiêm chủng hợp lệ.
Vào ngày 17-1, cảnh sát bang Johor phá một đường dây cung cấp giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 giả với giá 650 ringgit (155 USD)/giấy. Tám người - trong đó có 3 nhân viên của một phòng khám tư nhân - bị bắt giữ. Những người mua thường là những người chống vắc-xin Covid-19 và từ chối tiêm chủng.
Bình luận (0)