Theo đài Channel News Asia, Thilafushi - được người dân địa phương đặt biệt danh "Đảo rác" - từng là một đầm phá trong vắt đầy san hô cho đến đầu những năm 1990, khi chính phủ chỉ định nơi này trở thành điểm tập kết rác của cả nước.
Tất cả chất thải từ nhà bếp, nhựa, chất thải hóa học, phế liệu… đổ về đây và hoạt động đốt rác từ năm này qua năm khác khiến bầu trời Thilafushi luôn mịt mù khói. Ông Guenter Hacklaender, chuyên gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), chịu trách nhiệm hỗ trợ xử lý rác cho Thilafushi, nói: "Lần đầu tôi đến đây, nó giống như địa ngục".
“Đảo nhân tạo” Thilafushi xây bằng rác mịt mù khói trước tháng 9-2021 Ảnh: BỘ MÔI TRƯỜNG MALDIVES
Sự việc chỉ được cải thiện khi vào tháng 9-2021, chính phủ Maldives quyết định ngưng đốt rác tại đây. Dần dần, Thilafushi cũng có quy trình phân loại và đóng kiện rác trước khi đem đi thiêu hủy ở nơi khác.
Người ta kỳ vọng đến năm 2024, Thilafushi sẽ có hệ thống quản lý chất thải hiện đại từ một dự án 2 giai đoạn trị giá 211,13 triệu USD; bao gồm việc thiết lập hệ thống thu gom, chuyển giao và xử lý chất thải ở khu vực Greater Male gồm 32 hòn đảo. Bể ủ sinh học sẽ được lắp đặt để xử lý rác thải hữu cơ song song với đẩy mạnh phân loại rác và tái chế.
Maldives biến hình "Đảo rác"
Hiện có tới 1.200 tấn chất thải các loại được chuyển đến Thilafushi mỗi ngày và thách thức lớn là các thói quen sinh hoạt khiến Maldives ngập tràn nhựa.
"Ước tính hằng năm chúng tôi sản xuất ít nhất 20.000 tấn nhựa ở Maldives và chỉ khoảng 5% trong số đó được tái chế. Phần còn lại kết thúc trong các bãi chôn lấp hoặc bị đốt hoặc bị vứt xuống đại dương" - Bộ trưởng Bộ Môi trường, Biến đổi khí hậu và Công nghệ Maldives Aminath Shauna nhìn nhận.
Thách thức môi trường ở Maldives không chỉ nằm ở "Đảo rác". Ví dụ trên đảo Gulhi, thức ăn thừa từ các khu dân cư và nghỉ dưỡng bị vứt thẳng xuống biển, còn nhựa chất đống sát bờ biển chờ thiêu hủy khi gió thuận lợi.
Bình luận (0)