Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã trình bày nhiều chủ đề: Các thách thức an ninh mới nổi ở châu Á-Thái Bình Dương; các học thuyết và khả năng quân sự mới tại châu Á; phân phối quyền lực mới trong khu vực và tác động của nó tới châu Á; lợi ích an ninh quốc tế của Trung Quốc (TQ); đối phó với những thách thức an ninh biển mới; xây dựng lòng tin chiến lược, tránh hậu quả trong trường hợp xấu nhất.
Một trong những thay đổi quan trọng trong chính sách an ninh của Mỹ là sự chuyển dịch các ưu tiên từ Đông Á xuống Nam Á, trong khi thừa nhận một thực tế là chính sách này phải dựa vào sự hợp tác chứ không phải đối đầu với Bắc Kinh. TQ dường như nắm bắt khoảnh khắc được cho là thuận lợi này để công khai một chính sách cứng rắn trên biển Đông, mà mục tiêu hàng đầu là loại Mỹ ra khỏi khu vực.
Tuy nhiên, ý đồ của TQ dường như đang gây ra những phản ứng ngược. Hầu như tất cả các nước có tiếp giáp với biển Đông đều nâng cao cảnh giác, phản ứng quyết liệt các hành động ngang ngược của TQ, nhất là kiểu “nói một đằng, làm một nẻo” và có nước đã tuyên bố sẽ kiện TQ ra Liên Hiệp Quốc hay tòa án quốc tế vì các hành động gây hấn ngang ngược của hải quân nước này.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cho rằng các nước châu Á không nên đặt mình trước sự lựa chọn làm đồng minh của Mỹ hay TQ. Các nước cần tránh tình trạng đơn cực kiểu chiến tranh lạnh trong khu vực. Thay vì lựa chọn, châu Á cần đẩy mạnh hợp tác với Mỹ - siêu cường quân sự và với TQ - một cường quốc đang lên, nhằm giải quyết các vấn đề an ninh khu vực như chống nạn buôn người, khủng bố, buôn lậu thuốc phiện và phổ biến hạt nhân.
Hội nghị đã đạt được mục tiêu đề ra là cung cấp một diễn đàn độc đáo để triển khai nền ngoại giao quốc phòng đầy khí lực ngay tại châu Á - Thái Bình Dương. Tại đây, các nước tham gia không chỉ đưa ra các tuyên bố về chính sách mà còn kèm theo các sáng kiến để thực thi; không chỉ nêu cao tinh thần trao đổi, tư vấn mà còn đệ trình được kế hoạch nhằm cải thiện hợp tác về an ninh.
Các bộ trưởng Quốc phòng không chủ trương đến Diễn đàn Shangri-La để đối đầu nhưng cũng không ngần ngại tiến hành các cuộc tranh luận. Miễn sao các cuộc tranh luận đưa đến sự minh bạch thật sự về các chủ đề nhạy cảm nhất của lĩnh vực an ninh và quốc phòng. Trên thực tế, những kỳ vọng đó đặt ra đối với trưởng đoàn các nước phần lớn đã được đáp ứng.
Riêng đối với vấn đề an ninh biển, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cho rằng đây là vấn đề đặc biệt quan trọng. Quan điểm của Mỹ về vấn đề này là rõ ràng: Washington có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải, phát triển kinh tế và thương mại không bị cản trở, đồng thời tôn trọng luật pháp quốc tế.
Theo ông, không nên để những bất đồng về vấn đề này leo thang vượt ra ngoài khuôn khổ ngoại giao. Đối với sự hợp tác của nền ngoại giao quốc phòng trong khu vực, Bộ trưởng Gates đã đưa ra các nguyên tắc: tiếp cận đa phương, tôn trọng lẫn nhau, thúc đẩy đối thoại và hiểu biết sâu hơn giữa các bên thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin, trên cơ sở đẩy mạnh hợp tác cả đa phương và song phương, cả ở cấp cao nhất cũng như cấp thấp hơn và giải quyết tranh chấp một cách cân bằng.
Chủ đề ban tổ chức dành cho bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam trình bày tại hội nghị là “Ứng phó với các thách thức an ninh biển mới”. Đại tướng- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh khẳng định rằng đây là một vấn đề rất thời sự, rất hệ trọng, liên quan đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Nói đến biển trong thế kỷ XXI, theo nhận thức chung của cộng đồng quốc tế, đó là không gian sống còn, phát triển và là tương lai của thế giới hiện đại đối với cả các nước có biển và không có biển, tại những khu vực có tuyên bố chủ quyền hay không tuyên bố chủ quyền. Sau khi trình bày những nhận thức chung, các cơ sở pháp lý, Bộ trưởng khẳng định cần tăng cường hơn nữa sự hợp tác phát triển trên biển, cả song phương lẫn đa phương, nhằm đem lại sự hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau, cùng phát triển.
Quan điểm này được hội nghị đặc biệt quan tâm vì trong tất cả các cuộc họp từ khi diễn đàn Shangri-La 10 khai mạc tới nay, vấn đề biển Đông luôn được nhắc đến với hàm ý không đồng tình về hành động của TQ. Trong cuộc gặp tướng Lương Quang Liệt trước đó, liên quan đến việc TQ xâm phạm thềm lục địa Việt Nam hôm 26-5, đoàn Việt Nam đã nói thẳng với phía TQ: “Các đồng chí đã, thứ nhất, vi phạm luật pháp quốc tế; thứ hai, xâm phạm chủ quyền Việt Nam; thứ ba, không tôn trọng các điều khoản Tuyên bố các bên về ứng xử ở biển Đông đã ký với ASEAN” (Trích trả lời phỏng vấn của Trung tướng - Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh tại Singapore).
“Chúng tôi đã làm đúng với nhận thức chung của lãnh đạo hai nước là kiềm chế, là giải quyết song phương, là công khai minh bạch, và tuyệt đối “không sử dụng vũ lực”.
Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh |
Bình luận (0)