Lòng đặc quánh nỗi buồn, Đại sứ Pháp Jean-Pierre Thebault rời Úc sau khi Úc rút khỏi một thỏa thuận mua tàu ngầm, trị giá 90 tỉ USD với một công ty nước này vào cuối tuần trước, gây ra rạn nứt bất ngờ trong mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Ông Thebault nói với tờ The Guardian trên đường đến sân bay Sydney: "Điều khiến tôi buồn là hai nước vốn thân thiết nhưng chúng tôi đã bị đâm sau lưng". Ông Thebault khẳng định nước Pháp không hề được báo trước.
Mất hợp đồng “thế kỷ”, Đại sứ Pháp cay đắng vì bị bội tín
Theo cơ chế Aukus vừa được thành lập, Úc sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân nhờ sự hỗ trợ công nghệ của Mỹ và Anh. Khi Bộ Quốc phòng Úc xác nhận điều này tức có nghĩa Canberra sẽ không mua các tàu ngầm thông thường từ Pháp.
Trong động thái nhằm thể hiện sự thất vọng, Pháp triệu hồi đại sứ tại Úc và Mỹ về nước. Trong khi chính quyền Biden gọi cơ chế Aukus là "bước đi chiến lược lớn nhất mà Úc đã thực hiện trong nhiều năm".
Đầu năm nay, một số tờ báo Úc đưa tin rằng chính phủ đang tiến hành xem xét lại yếu tố có thể khiến hợp đồng bị chấm dứt, trong bối cảnh lo ngại về việc chi phí tăng và "trượt" tiến độ.
Đến tháng 6, Úc phát tín hiệu rằng họ đang tìm kiếm một lối thoát cho hợp đồng khủng với Pháp, được ký vào năm 2016 với công ty DCNS (nay là Naval Group) để đóng 12 tàu ngầm diesel-điện Barracuda. Thời điểm đó, khi trả lời một ủy ban của Thượng viện về các vấn đề với dự án, các quan chức quốc phòng Úc cho biết họ đang "thận trọng" lập kế hoạch dự phòng.
Đại sứ Pháp Jean-Pierre Thebault kéo vali đến sân bay Sydney để rời Úc ngày 18-9. Ảnh: AP
Thế nhưng, ông Thebault nói rằng không có bất kỳ tín hiệu rõ ràng nào rằng hợp đồng sẽ kết thúc. Phía Pháp nghĩ rằng những vấn đề hợp đồng đã được giải quyết và các cuộc bàn thảo sẽ tiếp tục.
Ông Thebault cho biết: "Một số quan chức của Úc không chỉ thảo luận với Pháp về tàu ngầm hiện tại mà còn nói rằng họ sẵn sàng thúc đẩy giao dịch này thành công và trở thành biểu tượng của mối quan hệ song phương".
Ông Thebault nghĩ rằng đó là "hành động bội tín". "Chúng tôi không nói về các hợp đồng thông thường. Chúng tôi đang nói về mối quan hệ đối tác chiến lược trong đó Pháp chia sẻ bí mật quân sự quốc gia với Úc và cam kết tạo ra một ngành công nghiệp theo các tiêu chuẩn do Úc đặt ra" – ông Thebault giải thích.
Ông Thebault so sánh: "Mọi người biết đấy, giống như trong một cặp vợ chồng, khi cam kết gắn bó, chúng ta có quyền và nghĩa vụ. Nghĩa vụ là khuôn phép, nghĩa vụ là sự minh bạch. Nếu vì lý do nào đó anh cảm thấy rằng phải thay đổi quyết định của mình, anh nói điều đó, chứ không bỏ chạy".
Ông Thebault kể về lần đàm phán cuối tháng 8, ông cho biết trao đổi "rất tích cực và thân thiện" nhưng rõ ràng là "không có sự chân thành trong đó".
Tàu ngầm USS Santa Fe của Mỹ di chuyển theo đội hình cùng tàu ngầm HMAS Collins, HMAS Farncomb, HMAS Dechaineux và HMAS Sheean của Úc tháng 2-2019 (từ dưới lên). Ảnh: RAN
Theo tờ The Guardian, một nguồn tin quốc phòng tiết lộ Úc trước tiên tìm đến Hải quân Hoàng gia Anh để thảo luận về mong muốn của Canberra từ bỏ hợp đồng với Pháp, thay vào đó đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân với Anh và Mỹ. Sau khi nhận được sự ủng hộ của Anh, Úc sau đó đánh tiếng với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Nguồn tin này cho biết một số người Úc muốn gọi điện xin lỗi, báo rằng họ tìm thấy tàu ngầm tốt hơn và đó là từ Anh. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phản đối.
Thế nhưng phía Pháp đã không được báo cho biết trước, cho đến khi các chi tiết bắt đầu bị rò rỉ cho các phương tiện truyền thông Úc và Mỹ vào ngày 14-9.
Một số chính trị gia Úc nghĩ rằng Pháp có thể đã phản ứng thái quá với quyết định này một phần vì cuộc bầu cử tổng thống diễn ra vào tháng 4-2022.
Bình luận (0)