Sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đường ống dẫn khí đốt thiên nhiên của Nga đến Đức băng qua biển Baltic, gọi là "Dòng chảy phương Bắc 2" (Nord Stream 2), trở thành mặt trận mới nhất trong cuộc xung đột ngày càng tăng giữa châu Âu và Mỹ.
Cứng rắn
Báo The Wall Street Journal đưa tin Tổng thống Donald Trump yêu cầu Đức từ bỏ "Nord Stream 2" và xem đây là một trong những điều kiện để Mỹ ký thỏa thuận thương mại với châu Âu, trong đó không có thuế suất cao đối với mặt hàng thép và nhôm. Thậm chí, Washington còn đe dọa trừng phạt các công ty châu Âu liên quan đến "Nord Stream 2".
Theo trang tin Bloomberg, từ lâu Mỹ đã phản đối đường ống dẫn khí này, viện dẫn sự độc lập về năng lượng của châu Âu và vai trò của Ukraine. Tuyến đường ống mới này được cho là giảm nhẹ vai trò chuyển tiếp khí đốt từ Nga đến châu Âu của Kiev. Ngoài ra, một quan chức Mỹ gần đây đề cập nguy cơ đường ống này sẽ tạo điều kiện cho Nga cài đặt công nghệ nghe lén và theo dõi ở biển Baltic.
Tuy nhiên, châu Âu từ lâu nghi ngờ động cơ thật sự của Washington đằng sau sự phản đối nói trên. Với giới chức Đức, đây là một phần nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của nước này, vốn chỉ chiếm 5% lượng LNG nhập khẩu của châu Âu trong năm 2017. Đáng nói là mặt hàng LNG của Mỹ hiện đắt hơn ít nhất 20% khí đốt từ nhà cung cấp Gazprom của Nga.
Biểu tình phản đối Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ở Tehran - Iran ngày 11-5 Ảnh: REUTERS
Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nhận thấy "Nord Stream 2" có thể mang lại rắc rối chính trị, nhất là từ một số nước Đông Âu lo ngại Moscow gia tăng ảnh hưởng thông qua dự án. Hôm 18-5 qua, bà Merkel đã đến TP Sochi nằm trên bờ biển Đen hội đàm với Tổng thống Vladimir Putin.
Nhà lãnh đạo Nga hứa hẹn tiếp tục vận chuyển khí đốt qua Ukraine "nếu điều đó có lợi về kinh tế". Trước khi cuộc gặp diễn ra, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã đến Kiev và Moscow trong nỗ lực đạt được thỏa thuận để đường ống "Nord Stream 2" và hệ thống trung chuyển khí đốt của Ukraine vận hành cùng lúc.
Nhiều nỗ lực
Sự can dự của Mỹ có thể không được châu Âu hoan nghênh và thậm chí là phản tác dụng trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) quyết duy trì lập trường cứng rắn đối với hành động đánh thuế của Mỹ và vấn đề thỏa thuận hạt nhân Iran. Trong tuần này, theo kênh Deutsche Welle, các nước Đức, Pháp, Anh cùng với Nga và Trung Quốc sẽ nhóm họp ở Vienna - Áo để bàn thảo một thỏa thuận mới tương tự thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 trong lúc tìm cách hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo và vai trò của Tehran tại khu vực.
Trước đó, tại hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Sofia - Bulgaria ngày 16 và 17-5, các nhà lãnh đạo EU nhất trí về lập trường bảo vệ thỏa thuận mà Mỹ đã rút lui. Đi xa hơn, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hôm 20-5 cho biết đang tìm hiểu xem liệu EU có thể hỗ trợ tài chính cho những công ty châu Âu bị thiệt hại bởi lệnh trừng phạt của Mỹ nếu tiếp tục làm ăn với Tehran. Kim ngạch thương mại của EU với Iran trong năm 2017 đạt tổng cộng hơn 20 tỉ euro.
Tuy nhiên, tại buổi tiếp Ủy viên năng lượng EU Miguel Arias Canete ở Tehran hôm 20-5, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammed Javad Zarif tuyên bố nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân của EU hiện chưa đủ. Ông Zarif kêu gọi EU tăng cường đầu tư vào Iran trong lúc bày tỏ lo ngại một số công ty lớn của châu Âu có thể ngưng hoạt động ở Iran cho đến khi vấn đề trừng phạt trở nên rõ ràng.
Ngoài EU, theo báo The South China Morning Post, Iran còn kêu gọi Trung Quốc giúp bảo vệ thỏa thuận 2015, đồng thời cảnh báo Tehran sẽ sử dụng đến "các phương án khác" nếu lợi ích đất nước bị lệnh trừng phạt của Mỹ đe dọa. Đại sứ Iran tại Trung Quốc Ali Asghar Khaji nhận định Bắc Kinh có vai trò tích cực trong việc duy trì thỏa thuận và nên tăng cường hợp tác kinh tế với Tehran. Ngoài ra, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh tiết lộ Tập đoàn Xăng dầu Trung Quốc sẵn sàng thay thế hãng Total nếu công ty Pháp này rút khỏi một dự án khí đốt ở Iran.
Bình luận (0)