Bắc Kinh là điểm đến đầu tiên của chuyến công du được cho là nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân nói trên của ông Zarif, trong đó các điểm đến tiếp theo gồm có Moscow và Brussels để vận động Nga và Liên minh châu Âu.
Trước khi đến Trung Quốc, vị bộ trưởng này đã thông qua mạng Twitter chỉ trích quyết định của ông chủ Nhà Trắng, đồng thời cảnh báo Iran chuẩn bị tiếp tục làm giàu urani quy mô công nghiệp mà không có bất kỳ sự hạn chế nào trừ khi châu Âu bảo đảm có thể duy trì quan hệ thương mại bất chấp các lệnh trừng phạt mới của Mỹ.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bắt tay người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tại Bắc Kinh hôm 13-5. Ảnh: REUTERS
Trong khi Mỹ đang thúc giục các công ty nước ngoài giảm hoạt động thương mại tại Iran, Trung Quốc hành động ngược lại. Tuyến đường sắt mới nối liền giữa vùng Bayannur thuộc khu tự trị Nội Mông - Trung Quốc và Iran mà Tân Hoa xã (Trung Quốc) loan tin hôm 10-5 được cho là một thông điệp mà Bắc Kinh muốn gửi tới Tổng thống Trump.
Theo Washington Post, đây là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm tăng cường quan hệ thương mại với Tehran và dường như cho đến nay nền kinh tế số 2 thế giới vẫn không có ý định thực hiện yêu cầu của Washington.
Thậm chí trong cuộc họp báo trước đó một ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho hay Iran và Trung Quốc sẽ "duy trì quan hệ kinh tế và thương mại bình thường". Khi được hỏi liệu Trung Quốc có yêu cầu các công ty nước này rút khỏi Iran để tránh bị Mỹ trừng phạt hay không, ông Cảnh Sảng nhấn mạnh Bắc Kinh có thể thách thức chính quyền Tổng thống Trump trong vấn đề này.
Giới phân tích cho rằng các công ty Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian cho những doanh nghiệp châu Âu muốn tiếp tục giao dịch với Iran nhưng lo sợ vi phạm lệnh cấm vận của Mỹ.
Bình luận (0)