Đài NBC News hôm 2-11 dẫn lời các nhà thiên văn học ở Hungary cho biết họ đã phát hiện ra hai "mặt trăng ma" quay quanh trái đất, cách không xa mặt trăng mà chúng ta nhìn thấy từ trước đến nay.
Những đám mây bụi mờ nhạt – cách trái đất hàng chục ngàn km – được nhà thiên văn học Ba Lan Kazimierz Kordylewski phát hiện lần đầu tiên vào năm 1961. Tuy nhiên, những mảng ánh sáng ông Kordylewski nhìn thấy quá mờ nhạt để thuyết phục một số nhà khoa học rằng "những đám mây Kordylewski" thực sự tồn tại và trở thành vấn đề gây tranh cãi.
Những đám mây Kordylewski xuất hiện như những mảng ánh sáng mờ nhạt trong bóng tối của không gian. Ảnh: NBC News
Hiện tại, các nhà thiên văn học gồm Gabor Horvath và Judit Sliz-Balogh thuộc Trường ĐH Eötvös Loránd ở Budapest đã có bằng chứng rõ ràng về những đám mây bụi nói trên. Họ sử dụng kính thiên văn đặc biệt tại một đài quan sát ở miền Tây Hungary để quan sát.
Trong các hình ảnh được công bố hôm 2-10, những đám mây Kordylewski xuất hiện như những mảng ánh sáng mờ nhạt trong bóng tối của không gian.
Những đám mây bụi nằm tại vị trí L5. Ảnh: NBC News
"Hãy tưởng tượng đó là những đám bụi bạn nhìn thấy khi một chiếc xe chạy qua một con đường đất" - nhà thiên văn học Phillip Plait, nói với đài NBC News qua email. "Vì vậy, chúng không phải là 'mặt trăng' theo nghĩa thông thường".
Những đám mây Kordylewski nằm trong quỹ đạo trái đất, cách chúng ta khoảng 400.000 km. Chúng đã ở đó ít nhất kể từ năm 1961 nhưng một số nhà nghiên cứu cho rằng những đám mây bụi này có thể tan biến trong những năm tới.
Bình luận (0)