Nghiên cứu về dữ liệu địa chấn của tàu Apollo và kết quả phân tích hơn 12.000 bức ảnh của LRO được công bố trên tạp chí Nature Geoscience hôm 13-5.
Không giống như trái đất, mặt trăng không có các mảng kiến tạo. Thay vào đó, khi phần bên trong của mặt trăng nguội đi trong vài trăm triệu năm qua, bề mặt của nó trở nên nhăn nheo do bị co lại.
Có thể ví quá trình này như một quả nho từ tươi trở thành khô. Tuy nhiên, vỏ quả nho linh hoạt, còn vỏ mặt trăng thì giòn và dễ vỡ. Điều này tạo ra những "vách đá bậc thang" khi một phần bề mặt của mặt trăng được đẩy lên.
Mặt trăng đang dần co lại theo thời gian, làm xuất hiện những nếp nhăn trên lớp vỏ của nó. Ảnh: ABC15, CNN
Hiện tại, có hàng ngàn "vách đá" như vậy nằm rải rác trên bề mặt của mặt trăng. Tàu LRO đã chụp được hơn 3.500 "vách đá" kể từ năm 2009. Vào năm 1972, các phi hành gia Eugene Cernan và Harrison Schmitt của tàu Apollo 17 đã có dịp leo lên "vách đá" Lee-Lincoln.
Quá trình co lại theo thời gian làm mặt trăng "gầy đi" hơn 50 m tính đến ngày nay. Các nhà nghiên cứu đã phân tích lại dữ liệu địa chấn mà họ lấy được từ mặt trăng để so sánh với hình ảnh do tàu LRO thu thập.
Dữ liệu từ máy đo địa chấn được các tàu vũ trụ Apollo 11, 12, 14, 15 và 16 ghi lại cho thấy 28 "rung chấn mặt trăng" đã xảy ra từ năm 1969-1977.
Tác giả nghiên cứu kiêm nhà khoa học dự án LRO của NASA, John Keller, cho biết: "Thật đáng chú ý khi thấy dữ liệu từ gần 50 năm trước và từ tàu LRO được kết hợp để nâng cao hiểu biết của chúng ta về mặt trăng".
Các nhà nghiên cứu tin rằng động đất vẫn đang xảy ra trên mặt trăng, điều đó có nghĩa là nó sẽ thay đổi từng ngày cũng như tiếp tục lạnh dần và co lại. Ngoài ra, theo thời gian, bề mặt của mặt trăng cũng tối đi do ảnh hưởng của thời tiết và bức xạ.
Bình luận (0)