Vụ khách không mời ấy đã có chuyến thăm thú bên trong thiết bị nói trên hôm 5-1, gây ra trục trặc bộ điều khiển động cơ điện tử của máy bay. Đại diện hãng Garuda Indonesia khẳng định kẻ gây rối là con ong và nó bị mắc kẹt trong ống Pitot, một phần quan trọng của thiết bị đo tốc độ bay.
Theo người phát ngôn Garuda Indonesia - ông Benny Butarbutar, phi hành đoàn phát hiện sự cố khi họ tiến hành các thủ tục an toàn trước khi cất cánh. "Vì lý do an toàn, chúng tôi đã quyết định hoãn chuyến bay” - ông Butarbutar nói.
Sau cuộc giải cứu kéo dài 1 giờ, máy bay bắt đầu hành trình và hạ cánh an toàn tại Jakarta vào chiều cùng ngày. Tổng cộng, chuyến bay bị muộn 4 giờ muộn so với dự kiến. Về số phận con ong, hãng hàng không cho biết nó thoát nạn.
Máy bay Boeing 737 nêu trên chở 156 hành khách, có lịch trình khởi hành từ sân bay quốc tê Kualanamu ở TP Medan đến thủ đô Jakarta của Indonesia. Ông Butarbutar khẳng định vụ việc ngoài tầm kiểm soát của hãng hàng không song sẽ tính toán gởi tiền bồi thường cho hành khách.
Dẫu đó là sự cố đầu tiên hãng Garuda Indonesia gặp phải mà liên quan đến ong nhưng chuyện đó không hề lạ lẫm với hàng không thế giới. Tháng 6-2015, hãng hàng không giá rẻ Anh Flybe buộc phải hạ cánh khẩn cấp do con ong bị mắc kẹt trong thiết bị đo tốc độ.
Bình luận (0)