“Vỏ quýt dày có móng tay nhọn” là câu kinh nhật tụng của các nhà khoa học quân sự Mỹ và Iran trong nhiều năm qua. Bêtông thông minh của Iran là một ví dụ cho thấy tính chất quyết liệt của cuộc đua giành phần thắng về phía mình của hai bên.
Mỹ và Israel – kẻ thù không đội trời chung của Iran - coi chương trình hạt nhân của Iran là một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng cần phải xóa bỏ từ trong trứng nước vì nó nhắm tới sản xuất vũ khí hủy diệt hàng loạt, điều mà Iran phủ nhận hết sức quyết liệt.
Mối đe dọa này rất khó chịu vì hầu hết cơ sở làm giàu uranium của Iran đều xây ngầm trong lòng đất hoặc trong lòng núi hiểm trở. Muốn ngăn chặn chương trình này trong trường hợp có chiến tranh, Mỹ cần có loại bom có khả năng xuyên phá và hủy diệt các boong-ke kiên cố nhất.
10 năm chế tạo vẫn chưa hoàn thiện
Vũ khí “Xuyên phá đồ sộ” (viết tắt theo tiếng Anh là MOP) là bom quy ước lớn nhất, có sức xuyên phá boong-ke tốt nhất của Mỹ tại thời điểm này. Siêu bom MOP nặng 13,6 tấn, mang đầu đạn chứa 2,4 tấn thuốc nổ nhanh, dài 6,2 m, được cho là có khả năng “độn thổ” đến 60 m, xuyên phá tường bê tông boong-ke trước khi phát nổ, là vũ khí đặc dụng chuyên phá boong-ke tối tân nhất của Mỹ.
Siêu bom GBU-57 A/B. Ảnh: AP
Chương trình chế tạo bom lớn có khả năng xuyên phá tường boong-ke được hai hãng Grumman và Lockheed Martin nghiên cứu và phát triển từ năm 2002 với tên gọi “Big BLU”. Thời chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã từng dùng hai quả BLU-82 nặng 5,7 tấn ở chiến trường Xuân Lộc vào giữa tháng 4-1974. Đây là loại bom có thể nói thuộc loại vũ khí hủy diệt hàng loạt. Khi nổ nó gây sức ép rất lớn và đốt cháy ôxy khiến đối phương chết ngạt. BLU-82 còn có tên là bom địa chấn, bom phát quang, bom hơi ngạt.
Tháng 3-2003, Mỹ cho thử vũ khí khổng lồ GBU-43/ B thuộc dự án Big BLU nặng 10,35 tấn, dài 9,17 m. GBU-43/B được xem là bom quy ước lớn nhất, mạnh nhất lúc bấy giờ, chỉ kém bom nguyên tử. Khi nổ, nó phát ra đám mây hình nấm giống như bom nguyên tử cho nên còn có tên là bom tiểu nguyên tử.
Dùng thử trong cuộc chiến xâm lược Iraq năm 2003, mức tàn sát dân lành của GBU-43/B đạt chuẩn “cỗ máy giết người” nhưng lại không đạt chuẩn xuyên phá tường boong-ke.
Biểu diễn sức công phá bom MPR-500 của Israel. Ảnh: IMI
Kết quả trên thúc đẩy không quân Mỹ nghiên cứu và phát triển dự án bom MOP điều khiển bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS có sức công phá và xuyên phá mạnh hơn gấp 10 lần bom GBU-43/B. Vụ nổ thử nghiệm bom MOP đầu tiên có tên gọi là GBU-57 A/B được tiến hành vào ngày 14-3-2007 tại bang Mexico.
Ngày 6-10-2009, Lầu Năm Góc được quốc hội bơm thêm 68 triệu USD để đẩy nhanh tiến độ của dự án với mục tiêu cụ thể là sản xuất 10 quả GBU-57 A/B sẵn sàng ứng chiến nếu xảy ra chiến tranh với Iran và Triều Tiên. Điều này cho phép không quân Mỹ đặt hàng 15 quả GBU-57 A/B, thử 5 lần trên mặt đất và 10 lần thử ném bằng máy bay. Tháng 2 năm nay, Quốc hội Mỹ lại cấp thêm 81,6 triệu USD theo yêu cầu của không quân Mỹ. Cho thấy Mỹ khá sốt ruột trong vấn đề Iran.
Tuy vậy, do chậm trễ trong việc cấp vốn và trở ngại kỹ thuật, việc triển khai bom GBU-57 A/B chỉ có thể thực hiện vào tháng 12-2010, chậm mất 6 tháng so với kế hoạch.
Song song với thử nghiệm trên mặt đất, bom MOP được thử với máy bay B-2 trên không lần đầu năm 2011. Cuộc thử dự kiến sẽ hoàn tất trong năm nay. Do kích thước thuộc loại “khủng”, chỉ có máy bay ném bom hạng nặng như B-2 tàng hình có thể mang nó đi đánh trận. 20 chiếc B-2 đã được cải tiến để chở mỗi chiếc 2 quả.
“Bom siêu thông minh”
Không có năng lực tài chính, phương tiện kỹ thuật (máy bay tàng hình B-2 chẳng hạn) và công nghệ hùng mạnh như Mỹ nhưng Israel cũng có bom xuyên phá bêtông của riêng mình, chủ yếu nhắm vào các công trình dân dụng.
Dựa theo nguyên mẫu bom Mk-82 của Mỹ có nhiều trong kho vũ khí Israel, ngành công nghiệp quân sự Israel (IMI) đã cải tiến nâng cấp nó thành MPR-500 (500 là trọng lượng của bom tính bằng pound, tương đương 2,25 tấn).
Trông nhỏ con như Mk-82 (chỉ có 500 pound) nhưng MPR-500 mang đầu đạn có sức công phá không kém bom Mk-84 (nặng 2.000 pound) của Mỹ. Nó có khả năng xuyên phá tường bê tông dày hơn 1 m hoặc 4 lớp bê tông dày 200 mm mà không bị hiệu ứng “J” khiến bom nổ bậy.
MPR-500 có thể điều khiển bằng nhiều hệ thống như laser, tia hồng ngoại, quang điện hoặc GPS quán tính trong những cuộc không kích. Do nhẹ cân, các loại máy bay cường kích kiểu F-15 và F-16 của Israel mang nó dễ dàng bắn được nhiều mục tiêu trong một lần xuất kích.
MPR-500 đã được triển lãm tại Triển lãm Hàng không Singapore năm 2012 vừa qua và được chú ý nhiều bởi các tính năng thông minh của nó. Báo chí Israel còn đặt cho nó một cái tên rất kêu: “Bom siêu thông minh”. Tuy nhiên, do khả năng có hạn, không thể xuyên phá các tường boong-ke kiên cố nằm sâu trong lòng đất, bom MPR-500 chỉ thích hợp với các chiến dịch quân sự trên mặt đất. n
Kỳ tới: Siêu bom Mỹ, siêu cỡ nào?
Bình luận (0)