xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Siêu bom Mỹ chưa đủ sức

Nguyễn Cao

Tháng 2 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã chi thêm 81,6 triệu USD theo yêu cầu bí mật của Bộ Quốc phòng Mỹ để hoàn thiện siêu bom phá siêu boong-ke của Iran

Căn cứ theo lời tướng Norton Schwartz, tổng tham mưu trưởng không lực Mỹ, binh chủng này đang có một loại bom cực mạnh sẵn sàng triển khai nếu xảy ra chiến tranh với Iran. Đó là bom MOP (vũ khí xuyên phá đồ sộ) phá boong-ke kiểu GBU-57 A/B.
Tuy nhiên, khi các nhà báo hỏi liệu nó có đủ sức phá hủy các boong-ke chứa cơ sở hạt nhân Iran nằm sâu trong lòng đất hoặc hang núi hay không thì ông Schwartz không trả lời thẳng mà chỉ nói: “Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện. Vấn đề mấu chốt là có khả năng và chưa dừng lại mà vẫn tiếp tục cải tiến nó”.

Khả năng có hạn

Về những lời bình phẩm của một số quan chức cấp cao rằng có một số mục tiêu ở Iran nằm ngoài tầm bom Mỹ, tướng Schwartz trả lời: “Đương nhiên, những cuộc ném bom phụ thuộc vào định luật vật lý. Mục tiêu nằm càng sâu thì càng khó thành công như mong đợi”.

img
Cơ sở làm giàu uranium Fordow ngầm của Iran. Hai mũi tên chỉ cửa hầm ra vào cơ sở. Ảnh: ISIS
Cách đây một tháng, tướng 4 sao thủy quân lục chiến về hưu James Cartwright, nguyên phó chủ tịch Hội đồng Liên tham mưu trưởng Mỹ, từng nói bóng gió rằng cơ sở hạt nhân Fordow chẳng hạn, nằm sâu trong lòng núi ở Tây Nam Iran, là “bất khả xâm phạm” đối với không quân Mỹ.

Trong khi đó, nhật báo The Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cũng cho biết hiện các loại bom quy ước của  nước này chưa đủ khả năng để hủy diệt những mục tiêu vô cùng kiên cố nằm sâu dưới đất. Không quân Mỹ đang nỗ lực hoàn thiện bom MOP mạnh hơn, hiệu quả hơn.

Theo nguồn tin trên, bom GBU-57 A/B được thiết kế đặc biệt để hủy diệt các hầm kiên cố che giấu bí mật hạt nhân của Iran và Triều Tiên. Tuy nhiên, những cuộc thử nghiệm ban đầu cho thấy nó chưa đủ sức xóa sổ một số boong-ke của Iran chôn quá sâu trong lòng đất, hang núi hoặc được phủ áo giáp mới.

Gần đây, Iran đã hé lộ rằng áo giáp đó là một loại bêtông thông minh có khả năng chống chọi với mọi thứ bom quy ước mạnh nhất mà Mỹ hiện có.

Ý thức được khả năng có hạn của bom MOP, tháng giêng vừa qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã bí mật đệ đơn xin quốc hội chi thêm tiền để cải tiến khả năng xuyên phá đá núi, bê tông cốt thép và thép trước khi nổ của bom MOP. Quan chức Mỹ nói trên nhấn mạnh rằng tăng cường sức công phá của MOP là một phần trong kế hoạch dự phòng ngăn chặn Iran phát triển vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Nguồn tin WSJ cho biết thêm Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi 330 triệu USD để phát triển khoảng 20 quả GBU-57 A/B do hãng Boeing sản xuất.

Mặc dù các quan chức quốc phòng Mỹ nói họ luôn tin tưởng rằng bom MOP có thể khiến Iran trì hoãn chương trình hạt nhân nhưng một số chuyên gia vẫn còn hoài nghi khả năng tiếp cận những boong-ke nằm sâu trong lòng đất của loại bom này.

Bom xuyên phá thế hệ mới

Trong một cuộc phỏng vấn của tờ WSJ ngày 20-1, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta đã thừa nhận nhược điểm của bom MOP mà người Mỹ tự hào gọi là “mẹ các loại bom” đối với một số boong-ke chôn rất sâu trong lòng đất. Ông cho biết bom MOP sẽ được cải tiến và không bao lâu nữa, nhược điểm này sẽ được khắc phục. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đang tiếp tục phát triển nó”.

img
Máy bay B-52 thử ném bom GBU-57 A/B Ảnh: GizMag

Sau đó vài ngày, George Little, thư ký báo chí Bộ Quốc phòng Mỹ, tuyên bố: “Việc phát triển loại vũ khí này không nhằm vào quốc gia cụ thể nào. Đó là khả năng mà chúng tôi tin là cần thiết phải có trong kho vũ khí. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư ”.

Tháng 6-2010, không quân Mỹ đã hé lộ kế hoạch phát triển bom xuyên phá thế hệ mới (NGP). Thiếu tướng không quân Phillip Breedlove, phó tổng tham mưu trưởng không quân Mỹ phụ trách tác chiến, cho biết bom NGP có trọng lượng chỉ bằng 1/3 MOP (tức 4,5 tấn) nhưng sức công phá bằng bom “khủng” GBU-57 A/B nhờ tốc độ di chuyển cực nhanh.

 Lợi thế của bom thế hệ mới là không cần tới máy bay ném bom khổng lồ như B-52 hoặc B-2 tàng hình. Các loại máy bay tiêm kích - cường kích hiện đại như F-35 của hãng Lockheed Martin hoặc  tương tự có thể mang nó đi tác chiến.

Trang mạng Flightglobal cho biết bom thế hệ mới còn có tên là vũ khí xuyên phá tốc độ cao (HVPW), được nghiên cứu và chế tạo theo hướng chú trọng đến tốc độ để tạo lực lớn với nguyên lý: lực = khối lượng x tốc độ. Đẩy bằng tên lửa chạy nhiên liệu rắn, nó có thể đạt vận tốc Mach 3.0 (gấp 3 lần vận tốc âm thanh).

Thật ra, Bộ Quốc phòng Mỹ đã từng đề xuất quốc hội lập quỹ sản xuất bom hạt nhân lớn xuyên phá đất (RNEP) để hủy diệt những cơ sở hạt nhân bí mật của Iran và Triều Tiên. Loại bom này phát triển từ bom hạt nhân hạng nhẹ M-61.
Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã bác bỏ yêu cầu này vào năm 2003 do lo sợ hậu quả phóng xạ và sức tàn phá vật chất ghê gớm của RNEP thông qua một cuộc bỏ phiếu. Các thượng nghị sĩ đã dùng hình ảnh hai thành phố Hiroshima và Nagasaki  của Nhật sau khi bị Mỹ ném bom nguyên tử để thuyết phục đồng nghiệp đừng bao giờ lặp lại sai lầm.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo