xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Mê cung khủng hoảng nước

NGÔ SINH (Lược dịch từ tạp chí Foreign Affairs)

Những nơi sử dụng nước hiệu quả nhất thế giới cũng có giá nước thuộc loại cao nhất

Không nhiều người phản đối nhận định thế giới đang gặp vấn đề nghiêm trọng về nước. Trong vài năm qua, nước liên tục được xem là rủi ro hàng đầu trong cuộc khảo sát thường niên đối với các nhà lãnh đạo toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới và truyền thông thế giới đăng tải không ít câu chuyện cảnh báo về khủng hoảng nước.

Sự thật là hầu hết vấn đề liên quan đến nước đều có thể được giải quyết khi có đủ tiền bạc và ý chí. Thách thức thực sự ở đây không nằm ở kỹ thuật, thủy học mà là chính trị và đạo đức. Đó là vấn đề gây ra không ít thách thức đối với chính sách đối ngoại của các quốc gia.

Liên quan đến nước, thế giới hiện đối mặt với 3 thách thức riêng biệt đang ngày càng tồi tệ trong những thập kỷ qua. Trước hết, nước sạch được phân bổ không đều, đồng nghĩa các thành phố và nông trại thường phải đầu tư những nguồn lực khổng lồ để mang nước đến nơi cần. Dân số thế giới vừa tăng vừa tập trung ở các thành phố nên việc tìm được đủ nước để trồng thêm cây trồng và phục vụ sinh hoạt hằng ngày gặp thêm thách thức. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác quá mức nhiều dòng sông lớn và tầng nước ngầm khắp thế giới.

Hai là chu trình thủy học hay thay đổi và thường cung cấp hoặc quá nhiều nước nên gây ngập lụt hoặc quá ít dẫn đến hạn hán. Biến đổi khí hậu khiến lụt lội và hạn hán kiểu này trở nên thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Ba là bất cứ loại nước nào có sẵn thường không tinh khiết đủ để con người sử dụng ngay từ đầu. Nạn ô nhiễm từ các xã hội công nghiệp hóa - tạo ra lượng thuốc trừ sâu, phân bón và kim loại nặng khổng lồ - khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn nhiều.

Dù đây là những vấn đề nghiêm trọng, vẫn có những giải pháp kỹ thuật giúp hầu hết nơi chốn trên trái đất tránh được một cuộc khủng hoảng nước thực sự. Trước hết, những khu vực khan hiếm có thể cải thiện nguồn cung bằng cách sử dụng nước hiệu quả hơn. Cả thành thị lẫn nông thôn đang phí phạm nhiều nước. Ở hầu hết thành phố, toàn bộ nước mưa chảy xuống cống rãnh trong khi nó có thể được tái chế và sử dụng lại. Trong khi đó, hiệu quả sử dụng nước trong nông nghiệp có thể được cải thiện bằng biện pháp tưới tiêu chính xác - tức cung cấp cho cây trồng lượng nước hợp lý để tối đa hóa hoa lợi - và những công nghệ tiết kiệm nước khác.

Vấn đề ở đây là gần như mọi giải pháp nói trên phụ thuộc vào việc thuyết phục người dân trả tiền nhiều hơn cho lượng nước sử dụng. Rất nhiều thành thị không kham nổi những khoản đầu tư khổng lồ cho cơ sở hạ tầng nếu không tăng giá nước sinh hoạt. Hơn nữa, một số giải pháp, như giảm sử dụng nước trong nông nghiệp, sẽ đòi hỏi sự thay đổi hành vi - điều có thể được thúc đẩy hiệu quả bởi mức giá sử dụng cao. Không phải là điều trùng hợp khi những nơi sử dụng nước hiệu quả nhất thế giới, trong đó có Israel và Singapore, cũng có giá nước thuộc loại cao nhất.

Mê cung khủng hoảng nước - Ảnh 1.

Cộng đồng quốc tế nên bắt đầu thảo luận về cách thức giúp đỡ Yemen giải quyết cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng Ảnh: REUTERS

Ngay cả khi lý do tăng giá nước có sức thuyết phục về kinh tế, những vấn đề chính trị và đạo đức đi kèm lại phức tạp hơn nhiều. Ở nhiều xã hội, cung cấp nước được xem là chức năng cốt lõi của nhà nước và đây là thứ được cung cấp miễn phí hoặc được trợ giá. Chẳng có gì lạ khi các chính khách không muốn xóa bỏ khoản trợ cấp này cho các khối cử tri quan trọng. Nỗ lực nâng giá nước còn gặp trở ngại bởi chiến dịch vận động nâng cao quyền tiếp cận nước và vai trò không thể thiếu của nguồn tài nguyên này trong việc duy trì sức khỏe, hạnh phúc của con người.

Ngay cả khi giới lãnh đạo chính trị bất ngờ tăng giá nước trên toàn cầu, không rõ bao nhiêu người có thể kham nổi. Tăng giá nước có thể không là chuyện lớn đối với các thành phố giàu có nhưng vấn đề lại hoàn toàn khác khi yêu cầu những nơi như Cape Town, với hơn 1/3 dân số sống trong cảnh nghèo, trả thêm tiền cho dịch vụ công thiết yếu nhất này.

Nông dân - những người sử dụng phần lớn nước khắp thế giới - thường không có thu nhập cao. Vì thế, nâng giá nước có thể làm gia tăng thất nghiệp ở nông thôn và thúc đẩy dòng người di cư đến các thành phố, đồng thời đe dọa an ninh lương thực. Vấn đề thậm chí còn trầm trọng hơn đối với các quốc gia đối mặt cùng lúc tình trạng khan hiếm nước, nghèo đói và bất ổn.

Vậy thì các chính phủ có thể làm gì để ngăn chặn nguy cơ xảy ra khủng hoảng nước? Bước đi đầu tiên là điều chỉnh hướng tiếp cận về vấn đề nước trong chính sách đối ngoại. Hiện hướng tiếp cận chủ yếu là về nguy cơ xảy ra xung đột giữa các quốc gia chia sẻ cùng lưu vực sông nhưng rủi ro này trong thực tế lại không cao. Thay vào đó, khủng hoảng nước đe dọa gây bất ổn chính trường trong một nước nhiều hơn. Ngoài ra, các chính phủ nên giảm dần trợ giá cho những lĩnh vực nào sử dụng nước lãng phí và không hiệu quả. Cuối cùng, cộng đồng quốc tế cần bắt đầu thảo luận nghiêm túc về cách thức giúp đỡ các quốc gia như Yemen giải quyết cuộc khủng hoảng nước nghiêm trọng của họ. 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo