Hai bên có những lợi thế lớn để thúc đẩy hợp tác toàn diện, nhất là trong các lĩnh vực giàu tiềm năng như thương mại, đầu tư, năng lượng, môi trường, công nghệ thông tin và truyền thông, nông nghiệp, lao động, du lịch.
Tuy vậy, Phó Thủ tướng lưu ý hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông - châu Phi còn gặp không ít thách thức, trở ngại. Hai bên còn thiếu thông tin và sự hiểu biết sâu về thị trường, tập quán kinh doanh và hệ thống pháp luật của nhau. Xa cách về địa lý cũng là một trong những khó khăn chính dẫn đến hiệu quả kinh doanh chưa cao và sự quan tâm chưa đúng mức của các bộ, ngành, doanh nghiệp hai bên. Bên cạnh đó, mạng lưới các cơ quan đại diện ngoại giao và thương mại thường trú của mỗi bên còn mỏng, các cơ chế hợp tác song phương hiện có chưa thực sự phát huy hết vai trò trong thúc đẩy hợp tác kinh tế. Mặt khác, liên kết kinh tế giữa khu vực Trung Đông - châu Phi với khu vực Đông Nam Á nói chung và với Việt Nam nói riêng còn hạn chế.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi thăm các gian hàng của doanh nghiệp Việt Nam bên lề hội nghị
Theo Phó Thủ tướng, hai bên cần chú trọng hợp tác kinh tế, xác định kinh tế là đòn bẩy cho quan hệ chính trị. Các vị đại sứ, đại biện cùng trao đổi kỹ với các đối tác Việt Nam, đặc biệt là đại diện các doanh nghiệp, xác định những lĩnh vực nhiều tiềm năng, có tính khả thi cao để thúc đẩy. Với Việt Nam, đó là những thế mạnh về nông - thủy sản, điện tử, cơ khí - nông cụ, vật liệu xây dựng, sản phẩm gỗ, sản xuất chế biến nông sản. Ngoài ra, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ đào tạo nghề, liên kết tìm giải pháp số phục vụ phát triển nông nghiệp. Việt Nam cũng có thế mạnh trong công nghệ thông tin và truyền thông, cung cấp nguồn nhân lực trẻ, có trình độ. Các nước Trung Đông - châu Phi có những lĩnh vực thế mạnh mà Việt Nam mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác, đó là năng lượng, hợp tác lao động, hợp tác cung cấp nguyên - nhiên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp chế biến, sản xuất nông - công nghiệp.
Bình luận (0)