"Đây là cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu và các trường hợp bất thường của đại dịch Covid-19 cần những giải pháp đặc biệt" - Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cho biết hôm 5-5.
Trước mắt, quyết định của Mỹ mở đường cho tiến trình đàm phán có thể kéo dài nhiều tháng bởi bất kỳ quyết định nào của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cũng cần sự nhất trí của toàn bộ 164 thành viên. Ngoài ra, các chuyên gia nhận định với Reuters rằng nỗ lực đàm phán có thể chỉ mang đến một thỏa thuận có quy mô nhỏ hơn và thời hạn ngắn hơn so với mong muốn của những nước ủng hộ.
Người dân được tiêm vắc-xin Covid-19 tại TP Toronto - Canada hôm 5-5.Ảnh: REUTERS
Theo đài NPR, tốc độ tiêm vắc-xin Covid-19 tại Mỹ đang chậm lại và một số địa phương ghi nhận tình trạng số liều vắc-xin còn nhiều hơn số người muốn tiêm chủng. Trong khi đó, Ấn Độ hiện là điểm nóng hàng đầu của đại dịch nhưng chỉ mới có 2% dân số được tiêm chủng đầy đủ. Đây là tình trạng bất bình đẳng mà WTO đang muốn tìm giải pháp.
Trước khi có thông báo trên, Mỹ và một số nước đã ngăn các cuộc đàm phán tại WTO về đề xuất do Ấn Độ và Nam Phi đứng đầu, theo đó tạm từ bỏ bảo hộ đối với một số bằng sáng chế, công nghệ và đẩy mạnh sản xuất vắc-xin tại các nước đang phát triển. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ của hơn 100 nước.
Không gì lạ khi sự thay đổi lập trường của chính quyền ông Biden dẫn đến phản ứng trái chiều. Trong lúc Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus ca ngợi thì Hiệp hội Các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm Mỹ phản đối mạnh mẽ khi cho rằng bước đi trên phá vỡ chính sách lâu nay của Washington về bằng sáng chế y tế, cũng như dẫn đến nguy cơ tràn lan vắc-xin giả.
Theo những người chỉ trích, sản xuất vắc-xin Covid-19 không phải chuyện dễ và việc xây dựng dây chuyền sản xuất tại những cơ sở mới sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực tăng sản lượng tại các cơ sở hiện có. Họ cũng chỉ ra rằng các công ty dược phẩm tại những nước giàu và đang phát triển đã đạt hơn 200 thỏa thuận chuyển giao công nghệ để mở rộng phân phối vắc-xin Covid-19, một dấu hiệu cho thấy hệ thống hiện tại vẫn đang vận hành tốt.
Bình luận (0)