Lầu Năm Góc hôm 14-4 đã công bố những kết quả mới nhất của cuộc không kích của Mỹ và đồng minh vào Syria đêm trước đó, khẳng định chương trình hóa học của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad đã bị đẩy lùi nhiều năm.
Đánh "trúng tim"
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Dana White và Trung tướng Kenneth McKenzie - Tư lệnh Tham mưu của Lầu Năm Góc - xác nhận Mỹ và đồng minh đã nã 105 tên lửa vào Syria, đồng thời bác bỏ tuyên bố của truyền thông Syria cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của chính quyền Tổng thống Assad đã bắn hạ 71 tên lửa. Ít nhất 3 trường hợp dân thường bị thương được ghi nhận trong cuộc tấn công và không có trường hợp tử vong nào. Theo ông McKenzie, nếu có bất kỳ vụ chết người nào thì đó là do động thái đáp trả của chính quyền của ông Assad bởi phía Syria đáp trả bằng cách bắn 40 tên lửa lớn vào không trung nhưng lại không có định vị hành trình bay!
Sau cuộc không kích, tất cả các máy bay của Mỹ trở về căn cứ an toàn. Tuy Trung tướng McKenzie không tiết lộ nơi xuất phát của những chiếc máy bay ném bom Lancer B-1 tham gia không kích nhưng một số quan chức khác cho biết chúng được triển khai từ căn cứ không quân ở Qatar. Theo hình ảnh vệ tinh mới nhất về mức độ thiệt hại của 3 khu vực bị liên quân tấn công, mục tiêu đầu tiên và lớn nhất là Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Barzah, được xem là "trái tim" của chương trình vũ khí hóa học Syria, bị trúng 76 tên lửa, gồm 57 tên lửa Tomahawk và 19 tên lửa phòng không đối đất. Mục tiêu thứ hai là Cơ sở lưu trữ vũ khí hóa học Hinshar bị 22 tên lửa bắn trúng, trong đó có các tên lửa Scalp của Pháp, Storm Shadow và 3 tên lửa hành trình hải quân của Anh. Mục tiêu cuối cùng là Hầm lưu trữ vũ khí hóa học Shinshar bị trúng 7 tên lửa Scalp.
Theo trang Guardian, chỉ trong vòng 45 phút, số vũ khí ước tính trị giá khoảng 50 triệu USD được bắn ra. Qua đó, Lầu Năm Góc khẳng định các cuộc không kích đã được tiến hành chính xác, áp đảo, hiệu quả và thành công trong mọi mục tiêu. Đáng chú ý, trong số những tên lửa của Mỹ tham gia cuộc không kích có tên lửa hành trình JASSM lần đầu tiên được "thử lửa" trong chiến đấu.
Lên tiếng về cuộc không kích trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14-4 tuyên bố: "Sứ mệnh đã hoàn thành". Đây vốn là cụm từ các tổng thống và chính khách Mỹ hay cố gắng né tránh kể từ khi nó gắn liền với sự việc thể hiện sự vội mừng chiến thắng trong cuộc chiến Iraq dưới thời Tổng thống George W. Bush. Tuy nhiên, có thể tạm gạt sang một bên về cách lựa chọn từ ngữ của ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm vốn chẳng mấy khi kiêng dè khi phát ngôn, một câu hỏi nổi lên rất đáng lưu ý: Chính xác sứ mệnh được đề cập tới là gì?
Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên Twitter sau cuộc không kích Syria rằng: Sứ mệnh đã hoàn thành. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Hình ảnh vệ tinh trước và sau cuộc không kích nhằm vào Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Barzah ở DamascusẢnh: DIGITAL GLOBE
Mỹ "lên nòng"sẵn sàng
Trong phần lớn nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, sứ mệnh ở Syria của Mỹ được khẳng định là đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng rồi rút về. Tuy nhiên, những gì nhà lãnh đạo Mỹ vạch ra trong bài phát biểu trên truyền hình đêm 13-4 lại phức tạp hơn thế. Nếu chỉ mấy ngày trước đó ông Trump còn khẳng định Mỹ sẽ rút sớm tại Syria, nay ông hứa hẹn sẽ có một chiến dịch bền bỉ để ngăn chặn chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học vào chính người dân của mình, đồng thời thể hiện sự sẵn sàng hành động hơn nữa để ngăn chặn đổ máu ở đất nước Trung Đông đã bị hủy hoại vì chiến tranh hơn 7 năm qua này. Thậm chí, tại phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại sứ Mỹ Nikki Haley tuyên bố Tổng thống Trump nói rằng nếu Syria tái sử dụng khí độc thì về phía Mỹ, "súng nạp đạn và lên cò" sẵn sàng.
Các nhà hoạch định chính sách kỳ cựu của Washington về Trung Đông tán thành cách tiếp cận vừa phải trong cuộc không kích của Mỹ lần này, chỉ nhằm vào các cơ sở vũ khí hóa học của ông Assad, gói gọn trong 1 đêm, kết hợp với các đồng minh. Họ cho rằng cuộc không kích đã chuyển tải được thông điệp của ông Trump trong khi tránh sự can thiệp sâu hơn và tối thiểu hóa nguy cơ khiêu khích các đồng minh của Syria là Nga và Iran. Có điều, cuộc không kích "thắp sáng" cả một góc bầu trời Syria trong đêm 13-4 này vẫn chưa làm sáng rõ chính sách của Mỹ, theo cựu phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Meghan O’Sullivan.
Không chỉ gây tranh cãi trên toàn thế giới, cuộc không kích Syria của liên quân còn gây bất đồng về quan điểm trong nội các Mỹ. Theo trang The New York Times (Mỹ), hầu hết các nhà lập pháp nhấn mạnh chính quyền ông Donald Trump cần một chiến lược toàn diện về vấn đề Syria. Thượng nghị sĩ John McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cho rằng: "Tổng thống Mỹ cần đặt ra các mục tiêu không chỉ liên quan đến IS mà còn cuộc xung đột đang diễn ra ở Syria và tác động đến Nga, Iran trong khu vực".
Việt Nam phản đối vũ lực đe dọa người dân vô tội
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 15-4 nêu rõ: "Việt Nam quan ngại trước tình hình hiện nay tại Syria và phản đối việc sử dụng vũ lực đe dọa cuộc sống của người dân vô tội cũng như hòa bình, ổn định tại khu vực".
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho rằng mọi xung đột và bất đồng phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia. Bà Lê Thị Thu Hằng cũng nhấn mạnh: "Công ước của Liên Hiệp Quốc về cấm vũ khí hóa học phải được triệt để tuân thủ"
.D.Ngọc - P.Dương
Bình luận (0)