Một tàu hải quân Úc bắt được tín hiệu được cho là phù hợp với hộp đen máy bay nhưng lại mất tín hiệu từ hôm 6-4. Các nhà chức trách Úc nói rằng tìm lại được tín hiệu là điều quan trọng nhất trước khi dò tìm mảnh vỡ dưới đáy biển.
Tàu Ocean Shield của Úc dùng thiết bị dò tìm hộp đen máy bay và phát hiện ra tín hiệu được cho là tương thích 2 lần liền, lần đầu kéo dài hơn 2 giờ. Tướng không quân Marshall Angus Houston, người đứng đầu công cuộc tìm kiếm máy bay, cho biết kể từ đó Ocean Shield không bắt được bất kỳ tín hiệu nào khác.
Đội tìm kiếm tiếp tục dò tín hiệu trong một vài ngày nữa và thiết bị tìm kiếm dưới mặt nước Bluefin 21 không được sử dụng chừng nào chưa có thêm thông tin. “Nếu chúng ta xuống ngay đáy biển dò tìm bằng thị giác thì sẽ mất rất nhiều ngày” – ông Angus Houston. Dựa trên các dữ liệu mà vệ tinh cung cấp, chính phủ Malaysia tin rằng máy bay này đã đâm xuống Nam Ấn Độ Dương, phía Tây thành phố Perth của Úc, cách lộ trình dự kiến của nó hàng ngàn km.
Trong khi đó, báo Anh Telegraph cho biết lần liên lạc dở dang cuối cùng giữa máy bay và vệ tinh có thể diễn ra đúng lúc máy bay hết nhiên liệu, lật ngửa và đâm xuống biển. Ông Chris McLaughlin thuộc công ty vệ tinh Inmarsat nói rằng kết quả phân tích cho thấy tín hiệu “dở dang” được động cơ máy bay MH370 phát lên vệ tinh vào lúc 00 giờ 19 phút (giờ GMT) ngày 8-3, chỉ 8 phút sau khi MH370 phát đi tín hiệu “bắt tay” hàng giờ cuối cùng.
Ông McLaughlin nói: “Nửa tín hiệu bắt tay này có thể diễn ra lúc máy bay hết nhiên liệu và chao đảo trong một thời gian. Hệ thống liên lạc trên động cơ ngưng chốc lát. Sau đó, động cơ hồi lại trong một khoảng thời gian rất ngắn và gửi tín hiệu lên vệ tinh trước khi tắt hẳn, khiến cho tín hiệu bị ngắt nửa chừng”.
Cựu phi công Stephen Buzdygan chuyên lái Boeing 777 cho hãng British Airways nhận định máy bay mất tích MH370 có thể tiếp tục lượn trên không sau khi hết nhiên liệu. Cũng theo ông này, nhiều khả năng máy bay lật ngửa vì động cơ bị ngắt từng cái một.
Sau 1 tháng tìm kiếm máy bay mất tích MH370 của hãng Malaysia Airlines ở Ấn Độ Dương và Biển Đông, việc triển khai các tàu quân sự và máy bay ước tính tiêu tốn ít nhất 44 triệu USD. Tổng cộng 26 quốc gia đóng góp tàu thuyền, máy bay, tàu ngầm và vệ tinh cho nỗ lực quốc tế nhằm tìm kiếm máy bay mất tích.
Con số 44 triệu USD là ước tính chi phí của Úc, Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam. Ước tính đó không bao gồm các chi phí dành cho những thiết bị quân sự đang được các nước trong đó có Anh, Pháp, New Zealand và Hàn Quốc huy động. Nó cũng không tính đến chi phí khác như máy bay dân sự, chỗ ở cho hàng trăm nhân viên và chi phí cho các chuyên gia tình báo khắp thế giới.
Bình luận (0)