Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Tổng thống Mỹ Donald Trump giúp Điện Kremlin hưởng lợi không nhỏ. Hành động cứng rắn của Mỹ đối với Iran đồng nghĩa Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể bù đắp những thiệt hại do lệnh trừng phạt của phương Tây bằng sự gia tăng giá dầu - xương sống thật sự của nền kinh tế Nga.
Thực tế là ông Putin vẫn chưa loại bỏ được các biện pháp trừng phạt do Washington áp đặt. Nhưng nhà lãnh đạo Nga có lẽ cảm thấy vui mừng vì người đồng cấp Mỹ đang gây chia rẽ trong nước và làm sứt mẻ quan hệ với các đồng minh phương Tây.
Việc ông Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) giúp Trung Quốc hưởng lợi. Chưa hết, Mỹ còn là quốc gia duy nhất rút khỏi cả Hiệp ước khí hậu Paris lẫn thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời đe dọa các đồng minh thân cận nhất bằng biện pháp thuế quan. Cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 cũng gây không ít xáo trộn tại Washington.
Nhưng tác động thực sự, dễ thấy và tức thì nhất là các con số, đặc biệt là những gì mà Nga thu được để bù đắp cho mất mát từ các biện pháp trừng phạt. Xương sống của nền kinh tế Nga là dầu mỏ và nền tảng cho sự nắm giữ quyền lực của ông Putin là giá dầu. Một năm trước, giá dầu thô Brent dao động trong khoảng 46-51 USD/thùng. Gần đây, mức giá này có lúc tăng lên 78 USD/thùng giữa thời điểm Mỹ siết chặt trừng phạt nền kinh tế Nga.
Giá dầu đã tăng khoảng 10 USD/thùng trong 2 tháng qua, khi thị trường phản ứng với việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và áp đặt các biện pháp trừng phạt lên việc làm ăn với Tehran. Với sản lượng khai thác gần 11 triệu thùng/ngày, mức tăng trên giúp Moscow thu về thêm 110 triệu USD/ngày hoặc 40 tỉ USD/năm.
Các biện pháp trừng phạt chắc chắn tác động đến nền kinh tế và một số nhà tài phiệt Nga. Tháng 4 vừa qua không phải là một tháng tốt lành của thị trường chứng khoán Nga.
Chỉ số chứng khoán chủ chốt RTS của nước này có lúc giảm 11,4% trong 1 ngày và 50 nhà tài phiệt giàu nhất nước mất tổng cộng 12 tỉ USD, theo tạp chí Forbes. Đến tháng 5, các nhà đầu tư được tưởng thưởng vì sự kiên nhẫn của họ. Chỉ số chứng khoán RTS tăng hơn 10%.
Một cơ sở dầu của Công ty Transneft tại Ust-Luga - Nga Ảnh: REUTERS
Cùng lúc đó, ông Putin bắt đầu đa dạng hóa thị trường xuất khẩu dầu thô của Nga nhằm giảm rủi ro. Hồi tháng 1, Nga mở đường ống dẫn dầu thứ hai đến Trung Quốc với kỳ vọng tăng gấp đôi lượng dầu nhập khẩu của Bắc Kinh lên 30 triệu tấn.
Thật khó để biết rõ tác động chính xác của các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với nền kinh tế Nga về vĩ mô. Một số công ty lớn của Nga dường như vẫn ăn nên làm ra, nhất là 3 ngân hàng hàng đầu Sberbank, VTB, Gazprombank và 3 tập đoàn dầu khí Rosneft, Novatek và Transneft.
Ba công ty dầu khí này đã giảm được nợ đáng kể, còn 3 ngân hàng lớn ít phụ thuộc hơn vào tài chính bên ngoài. Số liệu của Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy nợ nước ngoài của các công ty Nga đã giảm 11,1 tỉ USD trong năm 2016 và 15,2 tỉ USD hồi năm ngoái.
Hơn nữa, các công ty phương Tây tiếp tục làm ăn ở Nga vì tiềm năng đạt lợi nhuận. Đầu tư trực tiếp của Đức tại Nga tăng vọt lên 1,08 tỉ USD trong 3 quý đầu năm ngoái, cao gấp 4 lần so với cả năm 2016.
Các khoản đầu tư của Pháp vào Nga cũng tăng từ 438 triệu USD năm 2016 lên 524 triệu USD vào năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu của sự gia tăng này có thể đến từ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư ở Nga. Theo Chỉ số kinh doanh dễ dàng của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2018, xếp hạng của Nga đã tăng lên vị trí 35/190 so với vị trí 92 năm 2014.
Ở mức độ vĩ mô, sự gia tăng của giá dầu trong năm qua không chỉ giúp Nga bù đắp nhiều hơn cho những thiệt hại gây ra bởi lệnh trừng phạt của phương Tây.
sách của Nga đang trên đường thặng dư trong năm nay - lần đầu tiên kể từ năm 2011, chủ yếu là do giá dầu thô tăng 65%. Nguồn thu từ dầu thô chiếm đến 40% ngân sách của Nga.
Dĩ nhiên là giá dầu không chỉ chịu tác động của vấn đề hạt nhân Iran. Có thể kể ra những yếu tố khác, như Venezuela giảm sản lượng khai thác. Dù vậy, quyết định của Tổng thống Donald Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran là món quà bất ngờ dành cho ông Putin, người đang hưởng lợi từ những hạn chế của chủ nghĩa đơn phương nước Mỹ trên hết mà ông chủ Nhà Trắng đang theo đuổi.
Bình luận (0)