Quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân của Tổng thống Donald Trump sẽ không ép được Tehran quay lại bàn đàm phán cũng như không giải quyết được những mối lo ngại về hành vi của Iran ở Trung Đông. Ngược lại, quyết định này cởi trói cho chương trình hạt nhân Iran và khiến nước Mỹ bị cô lập với các đồng minh, từ đó trở nên kém an toàn hơn.
Thỏa thuận Iran có tác dụng. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế, cộng đồng tình báo Mỹ, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các cố vấn hàng đầu của tổng thống Mỹ đều công nhận Iran tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ. Theo thỏa thuận, họ từ bỏ 97% kho urani làm giàu, dỡ bỏ 2/3 số máy ly tâm và toàn bộ cơ sở plutoni, đồng thời chấp nhận chế độ kiểm tra và giám sát quốc tế nghiêm ngặt. Họ cũng cam kết không bao giờ chế tạo vũ khí hạt nhân. Thỏa thuận đã cắt đứt hiệu quả mọi ngả đường tiềm năng dẫn tới vũ khí hạt nhân của Iran.
Giờ đây, Tổng thống Trump đã giải thoát cho Iran tất cả ràng buộc. Iran có thể nối lại các hoạt động hạt nhân mà không bị quy trách nhiệm vi phạm thỏa thuận.
Thay vào đó, chính Mỹ mới đơn phương vi phạm một thỏa thuận mà nước này tham gia đàm phán - bằng cách tái áp đặt biện pháp trừng phạt trong khi Iran vẫn tuân thủ các điều khoản. Ông Trump không đếm xỉa đến yêu cầu của các đồng minh châu Âu thân cận nhất, bất chấp họ bỏ ra nhiều tháng liền để giải quyết những phản đối của ông. Thay vì bàn bạc với đồng minh, ông Trump lại quay ra trừng phạt các công ty châu Âu vì làm ăn phù hợp với một thỏa thuận còn hiệu lực. Các hậu quả chính trị, kinh tế mà mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu phải gánh chịu sẽ nghiêm trọng nhất.
Tổng thống Donald Trump bước vào Phòng Ngoại giao của Nhà Trắng để công bố quyết định rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hôm 8-5. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Khả năng lãnh đạo toàn cầu của Mỹ cũng trả giá đắt. Khi đơn phương hủy bỏ một thỏa thuận quốc tế, Mỹ tự làm suy yếu uy tín của mình. Đây chính là điều Mỹ đã nhận lãnh khi rút khỏi Hiệp ước Khí hậu Paris và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, vi phạm thỏa thuận Iran nguy hiểm hơn nhiều.
Iran có thể ở lại thỏa thuận, nếu các bên ký kết khác vẫn đem lại cho họ lợi ích thương mại và đầu tư. Dù vậy, kết quả này vẫn không có gì chắc chắn và bền vững, bởi Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt đau đớn nhằm vào các thực thể nước ngoài làm ăn với Iran. Để đáp trả, Iran có khả năng khôi phục các hoạt động hạt nhân và cuối cùng rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân, qua đó tự biến mình thành nhân tố nguy hiểm hơn nhiều tại một khu vực vốn đã rất hỗn loạn.
Ngay từ đầu, thỏa thuận hạt nhân không có chức năng, lẫn khả năng, xử lý các hành vi khác của Iran như gây ảnh hưởng lên các nước láng giềng hay phát triển tên lửa đạn đạo. Nhưng nếu không có thỏa thuận này, hành động của Iran sẽ càng nguy hiểm bởi được hậu thuẫn bởi năng lực hạt nhân.
Một khi Iran không bị kiềm chế, Ả Rập Saudi và các nước trong khu vực cũng sẽ muốn sở hữu năng lực hạt nhân. Phe cứng rắn ở Iran vốn chưa từng thích thỏa thuận hạt nhân sẽ càng có cớ gây bất ổn trong khu vực, khiến phe ôn hòa - như Tổng thống Hassan Rouhani - bị gạt sang lề. Thêm vào đó, việc Mỹ không tuân thủ thỏa thuận khiến vị thế của Nga và Trung Quốc ở Trung Đông thêm vững chắc. Còn Israel biết đâu sẽ lao vào xung đột với Iran (và kéo luôn Mỹ theo). Trong bất cứ kịch bản nào, Mỹ cũng kém an toàn hơn và trong trường hợp xấu nhất, Mỹ có thể đối mặt lựa chọn hoặc chiến tranh với Iran hoặc ngầm thừa nhận một nước Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Với thái độ khó chịu trước bất kỳ thành công nào của người tiền nhiệm, Tổng thống Trump từ lâu đã muốn hủy diệt thỏa thuận Iran, bất chấp nó có lợi cho Mỹ và nhận được sự ủng hộ từ cả những người phản đối ban đầu. Tổng thống chấm dứt thỏa thuận mà không đưa ra một giải pháp thay thế khả dĩ. Ông khẳng định với việc gia tăng sức ép với Iran, ông có thể đàm phán một thỏa thuận tốt hơn. Nhưng chỉ những ai mù tịt về Iran mới tưởng rằng nước này sẽ chịu trả giá nhiều hơn để đạt được cùng kết quả của 3 năm trước đó.
Nếu ông Trump cho rằng ông đang gửi đi thông điệp mạnh mẽ đến Triều Tiên, ông lại sai lầm. Làm sao có thể thuyết phục một đối thủ khó lường và có kho hạt nhân hiện đại hơn nhiều khi mà Mỹ tỏ ra mình không đáng tin cậy ngay trước thềm đàm phán? Chính ông cung cấp bằng chứng cho thấy bất cứ thỏa thuận nào mà Mỹ tham gia cũng có thể bị tổng thống này hoặc tổng thống khác vô hiệu hóa. Các đối tác đàm phán, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, chắc chắn cũng ngờ vực.
Còn chưa rõ sắp tới sẽ xảy ra chuyện gì nhưng chắc chắn tệ hơn nhiều so với tình hình hôm nay. Và khi hỗn loạn dâng lên, ông Trump sẽ đổ lỗi cho mọi người khác (như thường thấy lâu nay), từ các đối thủ chính trị, người tiền nhiệm đến các nước châu Âu và người Iran. Nhưng thực ra, chỉ có một người phải chịu trách nhiệm: Tổng thống Trump!
Bình luận (0)